Nghiệp đoàn lao động lớn nhất Italy CGIL và Viện nghiên cứu Technè ngày 24/7 công bố kết quả một cuộc thăm dò dư luận cho thấy hơn 50% người dân Italy cho rằng nước này cần ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), cho dù nền kinh tế vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng kéo dài suốt tám năm qua và các phong trào, đảng phái chính trị có xu hướng bài châu Âu đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng.
Phóng viên TTXVN tại Roma dẫn kết quả cuộc thăm dò trên cho thấy có 67% số người được hỏi cho rằng Italy không nên rời Eurozone. 69,4% khẳng định Italy cần tiếp tục có mặt trong Liên minh châu Âu (EU).
Một kết quả thăm dò khác công bố hồi giữa tháng Bảy của Viện nghiên cứu Demopolis cũng cho thấy nhiều người Italy tin rằng việc rời khỏi Eurozone là không khả thi, thậm chí có thể khiến đất nước chìm sâu hơn vào khủng hoảng. Số người ủng hộ rút khỏi Eurozone để quay về dùng đồng lira giảm từ 33% hồi năm ngoái, xuống còn 28% vào thời điểm hiện tại.
Cũng theo kết quả thăm dò, 65% cho rằng Italy - nền kinh tế lớn thứ 3 của Eurozone - nên tiếp tục tiêu đồng tiền chung của khối.
Tuy nhiên, thăm dò của Technè cũng cho thấy hình ảnh EU trong mắt người dân Italy ngày càng giảm sút. Cụ thể, 67,5% số người được hỏi cho rằng họ có rất ít hoặc không còn niềm tin vào các cơ chế của EU. 55% nói rằng họ có ấn tượng rất xấu về EU, tăng 4,3% so với cuộc thăm dò tháng 12/2013. Ngoài ra, 66,5% nói rằng họ không tin việc có mặt trong EU có thể giúp Italy ổn định về kinh tế và chính trị.
Mặc dù vậy, cũng có khoảng 47,6% số người cho rằng Italy được lợi khi là thành viên EU, cho dù có tới 83% người dân nghĩ rằng Italy không có ảnh hưởng quan trọng trong khối gồm 28 quốc gia này.
Theo điều tra trước đó của Viện nghiên cứu dư luận Demopolis, được thực hiện sau khi các chủ nợ đạt được thỏa thuận về nợ với Hy Lạp, niềm tin của người Italy vào EU hiện thấp chưa từng có. Chỉ có 26% số người được hỏi ủng hộ EU, thấp nhất kể từ khi viện này tiến hành điều tra dư luận liên quan đến EU.
Các thăm dò từ năm 2006 đến nay cho thấy chỉ số niềm tin của người dân Italy vào EU giảm đều từ 51% năm 2006 xuống 48% năm 2010, 41% năm 2012 và 32% vào năm ngoái.
Cũng theo thăm dò, người dân Italy đang ngày càng chán nản các cơ chế chính trị trong nước. 86,1% số người được hỏi khẳng định họ chỉ còn rất ít, hoặc đã mất hết niềm tin vào hệ thống chính trị, hệ quả của quá nhiều năm bất ổn chính trị và hàng loạt bê bối tham nhũng.
Italy là một trong những nước sáng lập của khối Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) sau khi Hiệp ước Rome được ký kết năm 1957. EEC là tiền thân của EU hiện nay./.