Dân làng Kiêu Kỵ ấm no nhờ nghề cổ truyền dát vàng quỳ

Người dân làng Kiêu Kỵ ấm no nhờ nghề cổ truyền dát vàng quỳ

Đối với người dân làng Kiêu Kỵ, nghề dát vàng quỳ mặc dù không làm các hộ dân giàu nhanh như các nghề khác nhưng đem lại công ăn việc làm ổn định.
Người dân làng Kiêu Kỵ ấm no nhờ nghề cổ truyền dát vàng quỳ ảnh 1Cụ bà Nguyễn Thị Quý (phải) cùng con cháu tham gia làm quỳ phục vụ cho nghề dát vàng bạc. (Ảnh: Thanh Hà/TTXVN)

Được hình thành cách đây hơn 300 năm, với bề dày truyền thống, được lưu truyền, bảo tồn từ đời này qua đời khác, trải qua khói lửa chiến tranh, những người dân làng nghề Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội) luôn ấp ủ, tâm nguyện gìn giữ và phát triển hơn nữa ngành nghề của quê hương, khôi phục lại thời kỳ vàng son của làng nghề, quý giá như chính chất liệu của sản phẩm đã, đang và sẽ luôn gắn bó với họ cho đến mãi về sau.

Đặt chân đến làng Kiêu Kỵ, bạn sẽ ấn tượng bởi tiếng đập quỳ khoan mau vang khắp đường làng. Âm thanh ấy len lỏi từng góc nhà, ngõ xóm, vang ra cả ruộng đồng, mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân Kiêu Kỵ.

Mảnh đất này là nơi lưu giữ nghề truyền thống duy nhất ở Việt Nam chuyên làm vàng quỳ. Làng nghề có lịch sử trên 300 năm và ông tổ khởi nghiệp của mảnh đất này là danh nhân Nguyễn Quý Trị.

Cái nghề cổ truyền cha ông để lại không chỉ tạo công ăn việc làm cho người dân Kiêu Kỵ mà từ nghề cổ truyền của địa phương, nghề dát vàng quỳ đã được nhân rộng ra nhiều vùng, miền trên cả nước.

Người dân làng Kiêu Kỵ đã đem theo nghề của mình đi lập nghiệp tại nhiều nơi như Bắc Ninh, Nam Định, Huế... Hiện nay, cả làng có 50 hộ chuyên kinh doanh vàng quỳ, thu hút được khoảng 300-400 lao động với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Đối với người dân làng Kiêu Kỵ, nghề dát vàng quỳ mặc dù không làm các hộ dân giàu nhanh như các nghề khác nhưng đem lại công ăn việc làm ổn định. Tất cả thành viên trong gia đình từ cụ già đến trẻ em đều có thể tham gia.

Cùng với các phụ nữ trong gia đình và người cùng làng đang tỷ mẩn xếp từng thếp vàng quỳ, cụ Nguyễn Thị Quý, 94 tuổi ở xóm Ngõ Đông vui vẻ tâm sự: "Cái nghề này không nhàn rỗi đâu, đòi hỏi nhiều công đoạn, phải tỷ mỷ còn ngày công thì thấp. Không nhớ làm nghề từ bao giờ nhưng ngay từ nhỏ tôi đã được ông, bà truyền nghề cho và làm đến tận bây giờ. Nghề dát vàng quỳ đã tạo công ăn việc làm, giúp gia đình xây dựng nhà cửa, sắm sửa đồ đạc... Từ ông bà, cha mẹ đến vợ chồng con cái đều tranh thủ làm được."

Còn đối với nghệ nhân Nguyễn Anh Chung sinh năm 1968, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề thì đây là một nghề mang lại cho người dân cuộc sống ấm no, sung túc. Gia đình ông đã có bốn đời làm nghề, ông rất muốn truyền nghề lại cho con trai của mình để tiếp nối truyền thống quê hương.

Theo ông Chung, nghề dát vàng quỳ trung bình cho thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng nhưng có lúc thu nhập rất cao.

Người dân làng Kiêu Kỵ ấm no nhờ nghề cổ truyền dát vàng quỳ ảnh 2

Có thể nói, nghề dát vàng đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở Kiêu Kỵ và là thứ nghề phụ “hái ra tiền” trong những lúc nông nhàn của nhiều người dân.

Nghệ nhân Lê Bá Chung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Hợp tác xã Công nghiệp Quỳ vàng Kiêu Kỵ, cho biết Liên minh hợp tác xã thành phố Hà Nội đã hỗ trợ cho các làng nghề nguồn vốn vay ưu đãi. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng hỗ trợ cho các lớp đào tào nghề ngắn hạn. Đến nay đã có năm lớp được tổ chức, mỗi lớp có khoảng 35 học viên.

Cùng với việc bảo tồn nghề dát vàng quỳ truyền thống, ông và các đồng nghiệp trong Hội dát vàng quỳ đã nghiên cứu phục hồi thành công nghề sơn son th​ếp vàng. Hợp tác xã tổ chức đào tạo các lớp thợ từ Nam ra Bắc.

Vào vụ cuối năm như hiện nay, các hộ sản xuất trong làng chủ yếu gõ quỳ vàng mang bán cho các làng nghề làm tượng phật và các công trình văn hóa cho các vùng, miền như Sơn Đồng-Hoài Đức, Hạ Thái-Thường Tín, Vũ Long-Thanh Oai, Ý Yên-Nam Định.

Mấy năm gần đây, làng nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ đã được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi tuy chưa được nhiều nhưng bước đầu cũng đã giúp các hộ dân đầu tư mở mang phát triển sản xuất.

Với hy vọng đưa sản phẩm dát vàng, bạc, quỳ đến với thị trường quốc tế, các hộ dân làng nghề mong muốn tiếp tục được vay nguồn vốn ưu đãi và có mặt bằng để mở rộng sản xuất, tạo điều kiện cho làng nghề ngày càng phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục