Sau nhiều tuần bị trì hoãn, cuối cùng, vào ngày 28/3 tới, cử tri Nigeria sẽ tham gia một cuộc bỏ phiếu được đánh giá là có tầm quan trọng không chỉ đối với Nigeria mà cả khu vực Tây Phi và châu Phi nói chung.
Trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm tới một châu Phi đang trỗi dậy mạnh mẽ, hứa hẹn sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong sinh hoạt quốc tế, thì các sự kiện lớn tại Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi (khoảng 170 triệu người) và là nền kinh tế lớn nhất của châu lục với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 509 tỷ USD vào năm 2013 - luôn nằm trong tiêu điểm của các phương tiện truyền thông.
Cuộc tổng tuyển cử năm nay được đánh giá là cuộc ganh đua quyết liệt nhất trong 55 năm độc lập của Nigeria, bầu ra một Tổng thống mới và xác định thành phần của Quốc hội lưỡng viện.
Hai ứng cử viên chủ chốt trong số 14 ứng cử viên tranh chức Tổng thống lần này là đương kim Tổng thống Goodluck Jonathan, 57 tuổi, người được đảng Đảng Dân chủ Nhân dân (PDP) đề cử ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai, và Tướng Muhammadu Buhari, 72 tuổi, thuộc đảng Liên minh Tiến bộ (APC).
Tướng Buhari không phải là một nhân vật xa lạ trên sân khấu chính trị của Nigeria. Ông từng lãnh đạo một cuộc đảo chính thành công và lên nắm quyền lãnh đạo đất nước trong giai đoạn 1984-1985.
Trong khi ông Jonathan đặt mục tiêu hàng đầu là đại tái thiết miền Đông Bắc bị điêu tàn do nội chiến, thì ông Buhari đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo đảm an ninh, chống tham nhũng và cải thiện điều kiện sống cho tầng lớp người nghèo, đặc biệt là những người bị thiệt thòi trong xã hội.
Theo kết quả thăm dò dư luận được công bố trước khi kết thúc chiến dịch tranh cử, ông Jonathan dẫn trước ông Buhari 7,01%, có thể giành được 53% tổng số phiếu bầu.
Cuộc bầu cử lần này bị phủ bóng đen bởi Boko Haram - nhóm phiến quân Hồi giáo có quan hệ chặt chẽ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và đã từng tiến hành hàng loạt vụ tấn công bạo lực, trong đó có các vụ đánh bom và bắt cóc kinh hoàng, khiến 21.000 người thiệt mạng và khoảng một triệu người bị mất nhà cửa.
Nhóm này đã thề sẽ phá hoại quá trình bầu cử. Mặc dù quân đội hai nước láng giềng Niger và Chad, được sự ủng hộ của Liên minh châu Phi (AU), đã tiến vào Nigeria để đẩy lùi Boko Haram khỏi 30 thành phố bị lực lượng này chiếm giữ từ nhiều tháng nay, nhưng các quan chức chính phủ Nigeria lo ngại rằng Boko Haram vẫn có khả năng tấn công vào các điểm bỏ phiếu và những chỗ đông người.
Cuộc bầu cử ban đầu được dự kiến vào ngày 14/2, song chì vài ngày trước đó, quân đội Nigeria đã viện dẫn mối đe dọa từ Boko Haram để thuyết phục Ủy ban bầu cử Nigeria hoãn đến ngày 28/3.
Những người chỉ trích Tổng thống Jonathan cho rằng sự trì hoãn này là một nỗ lực ngụy trang nhằm có thêm thời gian để ông củng cố sự ủng hộ của cử tri và tấn công phe đối lập.
Các mánh lới được sử dụng trong hoạt động tranh cử đã làm dấy lên mối quan ngại rằng bạo lực có thể xảy ra trong quá trình bỏ phiếu, bất kể ai sẽ chiến thắng trong cuộc ganh đua khá sít sao này và bất kể kết quả bầu cử có được xem là công bằng và tự do hay không.
Mặc dù các đảng phái chính trị và Ủy ban bầu cử của Nigeria đã cam kết đảm bảo một cuộc bầu cử an toàn, tự do, công bằng và minh bạch, trong đó một phần nhờ việc phát hành loại thẻ căn cước mới và tinh vi mà cử tri phải trình diện tại các điểm bỏ phiếu, nhiều người dân Nigeria vẫn bày tỏ lo ngại về nguy cơ gian lận và hăm dọa cử tri tại các điểm bỏ phiếu.
Trong một cuộc thăm dò do Viện Gallup tiến hành mới đây, chỉ có 13% số người Nigeria tin rằng sẽ không xảy ra gian lận.
Trong khi đó, các nhà quan sát cuộc bầu cử này cho rằng cuộc chạy đua sát nút giữa hai ứng cử viên rất dễ thúc đẩy gian lận, vì chỉ cần tạo ra một lượng nhỏ phiếu gian lận là có thể đảo ngược cán cân lực lượng.
Quá khứ của Nigeria là các chế độ độc tài quân sự với nhiều cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, đất nước này được đánh giá đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong nỗ lực xây dựng các thể chế dân chủ và truyền thống.
Cuộc tổng tuyển cử của Nigeria hồi năm 2011 được các nhà quan sát quốc tế nhận định là tiến bộ hơn so với hai cuộc tổng tuyển cử trước đó, nhưng vẫn còn xảy ra lộn xộn.
Các cáo buộc về gian lận giúp ông Jonathan thắng cử đã làm bùng nổ các cuộc biểu tình bạo động ở miền Bắc, khiến khoảng 800 người thiệt mạng.
Nigeria đã đi được một chặng đường dài trong tiến trình xây dựng dân chủ và phát triển kinh tế-xã hội.
Nếu cuộc bầu cử lần này diễn ra tự do, công bằng, minh bạch và an toàn thì đó sẽ là một bước tiến quan trọng nữa trên con đường phát triển của quốc gia hiện đã vượt qua Nam Phi để trở thành "đầu tàu" kinh tế của châu lục.
Điều đó không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho riêng Nigeria mà cho cả châu lục./.