Bão số 10 đổ bộ đã cướp đi bao nhiêu tài sản, mồ hôi và nước mắt của người dân nghèo vùng đất Quảng Bình, khó khăn càng chồng chất khó khăn.
Ngay sau bão, người dân nơi đây đã đoàn kết, chung sức chung lòng, nỗ lực khắc phục, nhặt lượm những gì còn sót lại với tâm niệm “còn người còn của.”
Sáng 18/9, tại một số xã ven biển như Bảo Ninh (thành phố Đồng Hới), xã Thanh Trạch, Đức Trạch (huyện Bố Trạch), một số xã ven biển huyện Quảng Trạch, các tàu thuyền của ngư dân đã nhanh chóng sửa soạn hàng hóa, ngư lưới cụ để chuẩn bị ra khơi.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình cho biết, bão số 10 đã làm 2 người chết, 180 người bị thương; gần 101.600 nhà dân bị sập, tốc mái và ngập nước; hàng trăm ngàn gia súc gia cầm bị chết, cuốn trôi; hàng chục ngàn ha rau màu, cây trồng, cao su bị gãy đổ, ngập úng; cơ sở vật chất các công trình y tế, giáo dục, trụ sở làm việc các đơn vị, công trình thủy lợi, giao thông… bị bão tàn phá, hư hỏng nặng. Tổng thiệt hại do bão số 10 tính đến ngày 18/9 là trên 7.860 tỷ đồng.
Trước sự tàn phá khủng khiếp, nặng nề của cơn bão số 10, chiều 15/9, đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đến kiểm tra tình hình thiệt hại sau bão, thăm hỏi nhân dân, động viên những gia đình bị thiệt hại nặng do bão gây ra. Chính phủ đã hỗ trợ tỉnh 3.000 tấn gạo để cứu đói.
Suốt những ngày qua, khi bão số 10 đi qua, chính quyền và người dân tỉnh Quảng Bình đã triển khai nhiều biện pháp, việc làm cụ thể, thiết thực để khẩn trương khắc hậu quả. Lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng, Thanh niên đã thành lập các đoàn, tổ công tác chủ động tham gia hỗ trợ, giúp dân khắc phục hậu quả bão, lũ.
Ngành Giao thông vận tải tập trung kiểm tra, chỉ đạo xử lý đảm bảo thông suốt các tuyến đường. Các công trình giao thông xảy ra sự cố hư hỏng đã được khắc phục tạm thời; một số cầu treo thiệt hại đang tổ chức sửa chữa, xử lý.
Hệ thống cấp nước đã được đơn vị chức năng sửa chữa, hiện đã hoạt động bình thường trở lại. Đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường đô thị đang tổ chức dọn dẹp các tàn dư cây cối bị gãy, bật gốc để khôi phục, trồng lại, đảm bảo cảnh quan đô thị.
[Nhiều học sinh vùng thiệt hại nặng do bão số 10 đã trở lại trường]
Ông Thái Hồng Quân - Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình cho hay, sau bão ngành điện lực thiệt hại ước tính trên 90 tỷ đồng. Ngành đang khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả nhằm đảm bảo 100% trụ sở cơ quan, hộ dân trong tỉnh có điện sinh hoạt trong thời gian sớm nhất.
Đến nay, toàn tỉnh đã đảm bảo được từ 50-55% khu vực có điện trở lại. Trong đó các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, thành phố Đồng Hới đạt trên 95%; tối 17/9 và sáng 18/9, vùng trung tâm các huyện Bố Trạch và Minh Hóa đã có điện; trung tâm thị xã Ba Đồn và vùng phụ cận đạt khoảng 80% khu vực có điện.
Riêng huyện Quảng Trạch bị ảnh hưởng nặng do nằm trong tâm bão nên ngành đang tập trung lực lượng cố gắng khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Ngay sau bão, Sở Y tế Quảng Bình cũng đã thành lập các đoàn công tác về tận cơ sở và các bệnh viện chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh...
Ngành Y tế chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức khám chữa bệnh cho bà con vùng bão, lũ; cấp phát thuốc cho những vùng có nguy cơ cao phát sinh dịch bệnh; các bệnh viện đang tiếp nhận, chữa trị cho các bệnh nhân bị thương trong bão số 10.
Bão số 10 đi qua gây thiệt hại nghiêm trọng với ngành giáo dục địa phương. Đã có trên 40.100m2 mái nhà lớp học bị tốc mái; gần 600 phòng học bị hư hỏng nặng và 11 phòng học bị sập hoàn toàn; hệ thống cây xanh, tường rào, bảng biển trang trí, sách vở đồ dùng dạy học, bàn ghế, máy tính… của các trường bị tàn phá nặng do mưa bão.
Tổng thiệt hại ước tính trên 205 tỷ đồng. Sau bão, mọi công tác khắc phục, dọn dẹp, sửa chữa trường học đang được toàn ngành khẩn trương thực hiện. Sáng 18/9, gần 60% các trường học trên địa bàn đã tổ chức giảng dạy trở lại.
Những nơi bị thiệt hại nặng, các đơn vị vẫn đang sửa chữa, khắc phục và bố trí những phòng học tạm cho giáo viên và học sinh học tập.
Ông Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình cho biết: Trước, trong và sau bão số 10, lãnh đạo tỉnh đã có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sát với thực tế và các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng trực tiếp về cơ sở, nắm bắt tình hình, chỉ đạo sát sao công tác khắc phục thiệt hại do bão.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã hỗ trợ các địa phương về gạo, kinh phí…, giúp tăng nguồn lực nhanh chóng khôi phục sau bão. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị phối hợp giúp dân sửa chữa nhà cửa, cấp phát lương thực và các vật dụng thiết yếu, đảm bảo không để bà con chịu cảnh "màn trời chiếu đất" như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, hệ thống chính trị các đơn vị, địa phương, thì sự cố gắng của nhân dân rất đáng ghi nhận. Với ý chí và sự nỗ lực của mình, nhân dân đã và đang giúp nhau vượt qua hoạn nạn, vực dậy sau thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình, thời gian tới, các địa phương nghiêm túc thực hiện công văn chỉ đạo của tỉnh; bám sát địa bàn, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; phát động toàn dân, huy động các lực lượng Công an, Quân sự, Biên phòng, Đoàn Thanh niên giúp dân khắc phục, sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp cây cối, đảm bảo thông suốt các tuyến giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước.
Đồng thời, nhanh chóng tu bổ, sửa chữa trường học, bệnh viện, trạm y tế, trụ sở, nhà cửa để ổn định việc học tập, sinh hoạt, khám chữa bệnh của nhân dân; tập trung làm vệ sinh, xử lý môi trường, tăng cường các biện pháp phòng, tránh dịch bệnh cho người và gia súc…
Thiệt hại do cơn bão số 10 gây ra đối với tỉnh Quảng Bình là rất lớn. Tỉnh kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ khẩn cấp 5.000 tấn gạo cứu đói cho nhân dân; hỗ trợ 750 tỷ đồng khắc phục hư hỏng các công trình thủy lợi, giao thông, giáo dục, y tế, nhà cửa do hậu quả mưa bão gây ra; hỗ trợ cấp kinh phí mua giống lúa, rau các loại phù hợp với cơ cấu giống của tỉnh.
Chính phủ xem xét chính sách khoanh nợ, giảm lãi suất hoặc không tính lãi suất cho vay đối với các khoản vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình bị thiệt hại do bão gây ra.
Đồng thời, tiếp tục có chính sách cho vay ưu đãi để khắc phục hậu quả bão lụt nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; xây dựng nhà chống chịu, thích ứng với thiên tai cho người dân ở các vùng thấp, vùng có nguy cơ cao./.