Làm thế nào để gìn giữ và phát huy Tiếng Việt, qua đó nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc, bảo tồn truyền thống văn hóa, hướng về quê hương đất nước, đã trở thành niềm trăn trở và cũng là động lực đối với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc.
Để phong trào dạy và học Tiếng Việt cho các thế hệ con em người Việt Nam được duy trì liên tục và mở rộng trong hàng chục năm qua, không thể thiếu vai trò của những “người giữ lửa” như trường hợp của ông Nguyễn Văn Sơn tại Trung tâm Tiếng Việt Sapa-Prague.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Prague, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Tiếng Việt Sapa-Prague cho biết bản thân ông cùng các thầy cô giáo đã liên tục nỗ lực trong hơn 20 năm qua để duy trì các lớp dạy học Tiếng Việt với mục đích bảo tồn văn hóa dân tộc, hướng về cội nguồn.
Công việc chính của ông Nguyễn Văn Sơn là điều hành hoạt động mọi mặt của Trung tâm như đón tiếp phụ huynh, học sinh, kiểm tra, sắp xếp các lớp học theo khả năng nhận thức Tiếng Việt của mỗi học sinh. Bên cạnh đó, ông có trách nhiệm bố trí giáo viên dạy theo các trình độ của học sinh và trực tiếp đứng lớp.
Về hoạt động của Trung tâm Tiếng Việt Sapa-Prague, ông Nguyễn Văn Sơn cho hay các lớp dạy Tiếng Việt được chia làm 2 giai đoạn trong năm, gồm các lớp Hè (tháng 7 và tháng 8 khi các trường học tại Séc nghỉ Hè) và các lớp thường xuyên từ tháng 9 năm này đến tháng 6 năm sau.
Thời gian học chủ yếu vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật, còn các lớp học mùa Hè có thể được mở vào tất cả các ngày trong tuần. Quy mô mỗi lớp học không cố định, song thường xuyên duy trì trên 10 em.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, việc giảng dạy Tiếng Việt tại trung tâm tập trung kiểm tra năng lực, trình độ qua đó có phương pháp giảng phù hợp đối với từng học sinh. Vì vậy, công việc đòi hỏi sự nỗ lực, tâm huyết và số lượng giáo viên lớn.
[Tiếng Việt là cầu nối đồng bào Việt Nam trên toàn thế giới với Tổ quốc]
Tuy nhiên, các giáo viên đứng lớp tại Trung tâm Tiếng Việt Sapa-Prague không được hưởng lương mà chỉ có một khoản bồi dưỡng nhỏ tính theo giờ. Ông cho biết thêm công tác giảng dạy Tiếng Việt tại Séc hiện được duy trì chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện, tấm lòng và tình yêu của các thầy cô đối với tiếng mẹ đẻ.
Mặc dù còn những khó khăn nhất định, song ông Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh phong trào dạy học Tiếng Việt luôn nhận được sự quan tâm, động viên và ủng hộ thiết thực của Đại sứ quán Việt Nam, Hội người Việt Nam tại Séc, các hội đoàn, cá nhân và doanh nghiệp cũng như sự hỗ trợ về chính sách từ phía Bộ Giáo dục Séc.
Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy và công tác tại Trung tâm Tiếng Việt Sapa-Prague, ông Nguyễn Văn Sơn đánh giá các phụ huynh đều rất nhiệt tình, mong muốn nâng cao trình độ Tiếng Việt cho con em, còn các học sinh luôn thể hiện sự nghiêm túc và tinh thần hiếu học. Ông bày tỏ mong muốn sẽ ngày càng thu hút được nhiều bạn trẻ trong cộng đồng tham gia giảng dạy và học Tiếng Việt.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng các hội đoàn của người Việt Nam nói chung cần nghiên cứu và có kế hoạch tổ chức Trại Hè Tiếng Việt ngay tại Séc, có các hình thức tuyên truyền rộng rãi hiệu quả về ý nghĩa và lợi ích của việc học Tiếng Việt tới cộng đồng.
Ngoài việc đảm nhiệm vị trí giám đốc Trung tâm Tiếng Việt Sapa-Prague, ông Nguyễn Văn Sơn hiện còn là chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tại Séc, Bí thư Chi bộ Trung tâm Thương mại Sapa. Do đó, ông luôn tâm niệm việc duy trì các lớp dạy Tiếng Việt không chỉ xuất phát từ tình yêu thương con trẻ, mà còn là trách nhiệm của một người thuộc thế hệ đi trước và một đảng viên.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sơn, trong năm 2009, Trung tâm Tiếng Việt Sapa-Prague đã vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Chủ tịch Quốc hội, đến thăm trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức CH Séc.
Lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc con em người Việt Nam sinh ra và lớn lên ở Séc phải biết Tiếng Việt được ông cùng các thầy cô giáo của Trung tâm Tiếng Việt Sapa-Prague cũng như chi bộ Trung tâm Thương mại Sapa coi là nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó./.