Từ ngày hôm nay, những người hâm mộ nhóm nhạc huyền thoại Thụy Điển ABBA sẽ được tiếp cận bộ tứ đình đám thập niên 70 với sự trợ giúp của công nghệ hiện đại tại bảo tàng riêng về nhóm đặt tại Stockholm. Các fan ruột của ABBA đã đợi ngày này từ lâu, theo như chia sẻ đầy hứng khởi của họ trên Facebook của viện bảo tàng. Một người có tên Bea Schroeer từ Berlin khẳng định “tôi sẽ tới đây” trong khi Alexander Kosssovksy, một fan tại Nga chia sẻ: “Không thể đợi tới lúc được tới đây mất. Cuối cũng cũng tới lúc này.” [Bảo tàng ABBA - điểm hẹn của người yêu nhạc Pop] Tại Stockholm, đã có nhiều chiếc xe máy và ô tô dán logo của viện bảo tàng chạy khắp thành phố từ nhiều tuần nay. Trên các phương tiện như báo chí, truyền hình cũng rầm rộ đăng quảng cáo, và thậm chí sân bay Arlanda tại Stockholm còn trưng bày một số trang phục của ABBA nhằm quảng bá cho điểm đến văn hóa mới nhất của thủ đô nước này. Tại bảo tàng “ABBA – The Museum” – gợi nhớ tới tựa phim “ABBA – The Movie” (1977) – khách tham quan có thể đóng giả làm thành viên thứ năm của nhóm nhạc, xuất hiện trên sân khấu cùng dàn nhạc và thu âm một ca khúc cùng ABBA nhờ công nghệ máy tính. Có một căn phòng dành riêng cho ca khúc “Ring, Ring” với một chiếc điện thoại thập niên 70, và chỉ có 4 thành viên của ABBA mới có số gọi tới đây. Các ngôi sao Agnetha Faeltskog, Anni-Frid (Frida) Lyngstad, Benny Andersson và Bjoern Ulvaeu sẽ gọi điện tới một cách bất ngờ vào những thời điểm khác nhau để trò chuyện với khách tới thăm. Vào thập niên 1970, ABBA đã thống trị các sàn nhạc disco toàn cầu với những giai điệu bắt tai như “Voulez Vous”, “Dancing Queen” hay “Waterloo” – ca khúc giúp nhóm chiến thắng giải Eurovision Song Contest năm 1974 và trở nên nổi tiếng kể từ đó. Tính tới nay, ABBA đã bán ra 378 triệu album trên toàn cầu và chỉ xếp sau mỗi Elvis Presley cùng The Beatles. Cho đến bây giờ, sức hút của ABBA vẫn đầy mạnh mẽ, nhất là khi vở nhạc kịch “Mamma Mia” (bắt đầu từ năm 1999) và bộ phim cùng tên năm 2008 với sự góp mặt của Meryl Streep đã mang nhạc của ABBA tới nhiều thế hệ trẻ mới. Các fan của ABBA không kì vọng sẽ được dẫn đi bảo tàng bằng lời nhạc của ABBA (mà hầu hết đều đã thuộc lòng), song dĩ nhiên sẽ có rất nhiều âm nhạc được dành cho họ. Tâm điểm của bảo tàng sẽ là để khách thăm quan “được trải nghiệm cuộc sống của các thành viên ABBA,” theo như người quản lý Inmarie Halling chia sẻ. Ông chính là stylist của nhóm từ năm 1976 tới năm 1980 và cho biết rằng bộ tứ này sẽ hồi tưởng lại các câu chuyện của nhóm qua băng thu âm. Cả 4 thành viên của ABBA đều đã tham gia vào việc xây dựng bảo tàng, quyên tặng các vật dụng cá nhân và làm việc chặt chẽ với Halling. Ulvaeus, năm nay 68 tuổi, chính là người làm việc năng nổ nhất với tư cách người đảm bảo tài chính cho dự án kiêm chủ tịch hội đồng quản trị. “Tôi từng hoài nghi về việc trở thành một nhân vật bảo tàng trước khi chết, song giờ đây tôi đã thấu hiểu mọi thứ. Cùng nhau, chúng tôi đã làm ra rất nhiều và đây là quả thực là một câu chuyện cổ tích tựa như Lọ Lem, đáng để kể lại,” ông chia sẻ hồi tháng Mười năm ngoái. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Kupe hồi đầu tháng, ông còn cho biết thêm: “Tôi đã tự nói với mình: ‘Tại sao không chứ? Còn ai có thể làm điều này tốt hơn ngoài chính mình ra!’”. Hôm 6/5, viện bảo tàng đã được mở chào đón báo giới và được cắt băng khánh thành bởi Ulvaeus, Lyngstad và Andersson (được biết tới bởi cái tên quen thuộc Bjoern, Frida và Benny) trước khi chính thức hoạt động một ngày sau đó. Giám đốc bảo tàng Mattias Hansson và giám tuyển Ingmarie Halling trước bảo tàng ABBA (Nguồn: AFP) Agnetha Faeltskog cho biết bà sẽ vắng mặt tại lễ khai trương do bận có mặt tại London để quảng bá cho album solo mới nhất. Lần gần nhất ABBA đứng trên sân khấu là năm 1982 và đã tan rã một năm sau đó. Mặc dù từng tái xuất đầy đủ trước công chúng trong một số dịp hiếm hoi, họ vẫn chưa bao giờ cùng hát trở lại và từng thề rằng chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Ulvaeus từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2008: “Chúng tôi không có động lực để tái hợp. Tiền không phải một yếu tố và chúng tôi chỉ muốn người hâm mộ nhớ chúng tôi đã thế nào trong quá khứ.” Viện bảo tàng sẽ có tổng cộng 5 tầng với những kỉ vật của nhóm như nhạc cụ, phục trang, các đĩa ghi âm vàng... và tái hiện lại cả xưởng thu âm hay phòng thay đồ ABBA từng sử dụng. Nằm tại Djurgaarden, Stockholm, nơi đây sẽ không chấp nhận thanh toán phí bằng tiền mặt mà chỉ cho khách sử dụng thẻ tín dụng hoặc thẻ debit – thứ khiến Ulvaeus hài hước gọi là “Money, Money, Money” – tựa một ca khúc nổi tiếng của nhóm. Viện bảo tàng cho biết họ kì vọng sẽ thu hút được khoảng 250.000 khách tới thăm trong năm nay và họ sẽ “đi bộ vào và nhún nhảy khi đi ra”./.