Người lao động trong bối cảnh COVID-19: Mất việc và gánh nặng chi phí

Kết quả khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thực hiện cho thấy có tới 62% trong tổng số hơn 69.000 người tham gia trả lời cho biết hiện đang mất việc làm (trên 42.700 người).
Người lao động trong bối cảnh COVID-19: Mất việc và gánh nặng chi phí ảnh 1Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh trao quà cho người lao động trong khu vực phong tỏa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện vào đầu tháng 8/2021 đối với trên 69.000 người lao động, có đến 62% đang bị mất việc làm và cuộc sống của họ đang gặp rất nhiều khó khăn kể từ khi làn sóng dịch COVID-19 thứ tư bùng phát vào cuối tháng Tư đến nay.

Bức tranh đời sống, thu nhập, việc làm cùng những kiến nghị của người lao động được phóng viên TTXVN phản ánh trong chùm bài "Người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19."

Bài 1: Mất việc và gánh nặng chi phí

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, cho biết để nắm bắt thực trạng tác động của dịch COVID-19 đến việc làm và thu nhập, khả năng tích lũy, nguồn hỗ trợ đối với người lao động và những mong muốn về chính sách hỗ trợ từ phía người lao động, Ban IV đã tiến hành cuộc khảo sát nhanh về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trên cơ sở đó, Ban IV tổng hợp các kiến nghị của người lao động, góp phần giúp Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, các nhà hoạch định chính sách thấy rõ thực tiễn, hiện trạng liên quan để xây dựng chính sách phù hợp, hiệu quả.

Tỷ lệ mất việc làm tăng dần theo nhóm tuổi

Khảo sát được thực hiện trên toàn quốc, trong đó số người tham gia khảo sát tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm hơn 46%, Hà Nội chiếm 25%, Bình Dương chiếm khoảng 3,5%, Đồng Nai khoảng 2,6% và Đà Nẵng 2%.

Đây là những tỉnh, thành phố đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt dịch lần này, nên nhiều người lao động quan tâm đến khảo sát để họ bày tỏ ý kiến, góp phần phản ánh thực tiễn và các kiến nghị mong muốn.

Trong tổng số trên 69.000 người lao động trả lời khảo sát online, có 55,2% người lao động từ các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần. Số lao động tự do không thuộc tổ chức nào chiếm gần 25%. Số lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm gần 10%. Người lao động từ doanh nghiệp nhà nước chiếm 3,6%.

Người lao động từ cơ quan nhà nước hưởng lương ngân sách chiếm khoảng 3,3%. Người lao động từ cơ quan sự nghiệp tự hạch toán chiếm khoảng 2,2% và 1% người lao động đến từ hộ kinh doanh và tổ chức khác.

Kết quả khảo sát cho thấy có tới 62% trong tổng số hơn 69.000 người tham gia trả lời cho biết hiện đang mất việc làm (trên 42.700 người). Trong số người mất việc, nhóm ở độ tuổi từ 31 đến 45 bị mất việc chiếm nhiều nhất, với khoảng 69,4%; nhóm người mất việc từ 16 đến 30 tuổi chiếm 16,3%; nhóm mất việc từ 46 đến 60 tuổi chiếm khoảng 13,2% và nhóm người mất việc trên 60 tuổi chiếm khoảng 1,2%.

Đối với những người đang có việc làm trong đại dịch COVID-19, nhóm tuổi từ 31 đến 45 là nhóm đứng đầu với khoảng 68%, nhóm người từ 16 đến 30 tuổi có việc chiếm khoảng 20%, nhóm người từ 46 đến 60 tuổi có việc chiếm khoảng 11% và cuối cùng, nhóm người trên 60 tuổi có việc chiếm khoảng 1%.

[Gỡ khó trong hỗ trợ những mảnh đời 'mắc kẹt' lại đô thị trong đại dịch]

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho hay tỷ lệ mất việc làm tăng dần theo nhóm tuổi. Nhóm tuổi từ 16 đến 30 thì tỷ lệ mất việc làm là 56,3%, nhóm tuổi từ 31 đến 45 tuổi và nhóm tuổi từ 46 đến 60 tuổi có tỷ lệ mất việc là trên 60%. Nhóm tuổi trên 60 trước đây được coi là nhóm tuổi ngoài lực lượng lao động, tuy nhiên khi xem xét kỹ số liệu khảo sát thì nhóm tuổi này vẫn có nhu cầu tìm việc và phần lớn là lao động tự do, vì họ không có các khoản lương hưu để đảm bảo cuộc sống tối thiểu khi đến tuổi 60. Nhóm này có tỷ lệ mất việc là 76%.

So sánh người lao động trong khảo sát về tình trạng việc làm theo phân ngành kinh tế lớn thì tỷ lệ mất việc cao nhất trong ngành xây dựng, chiếm 66,8%; tiếp đó là ngành dịch vụ 63%; ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 59,4% và thấp nhất là ngành công nghiệp 48,4%.

Khi xem xét theo tiểu ngành trong khu vực kinh tế dịch vụ, tỷ lệ mất việc cao nhất (87%) thuộc nhóm dịch vụ lưu trú và ăn uống, du lịch; dịch vụ giúp việc, bảo vệ. Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt bùng phát dịch lần đầu vào đầu năm 2020, và đến đợt dịch bùng phát từ cuối tháng 4/2021, cùng với các chính sách giãn cách tại các thành phố lớn thì các hoạt động ăn uống bị đóng cửa nên đây là nhóm có tỷ lệ mất việc lớn nhất.

Tỷ lệ lao động mất việc ở trong lĩnh vực y tế và hoạt động trợ giúp xã hội là 33,1%, phần lớn lao động làm trong lĩnh vực này là lao động làm trong các phòng khám tư nhân. Tỷ lệ lao động mất việc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo là 52,2%, phần lớn là lao động làm trong các cơ sở giáo dục mầm non tư nhân hoặc các trung tâm dạy nghề hoặc kỹ năng.

Xét theo các tiểu ngành công nghiệp, lĩnh vực da và các sản phẩm (kể cả giày dép) có tới 69,3% người lao động mất việc làm. Con số này với lĩnh vực in, sao chép các bản ghi các loại là 63,2%; chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ và sản xuất nội thất là 56,4%...

Người lao động gánh thêm nhiều chi phí phát sinh

“Để tìm hiểu về các chi phí phát sinh do tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ tư mà người lao động phải chi trả, chúng tôi đã đặt câu hỏi 'trong bối cảnh COVID-19 hiện nay, ngoài các chi phí sinh hoạt tối thiểu thông thường, bạn có phải gánh thêm các chi phí phát sinh khác do dịch không' đối với tất cả đối tượng tham gia khảo sát," bà Phạm Thị Ngọc Thủy cho biết.

Kết quả khảo sát cho thấy do thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các tỉnh, thành phố cho trẻ em ở nhà. Song để đảm bảo chương trình học tập, hầu hết các trường dân lập đều tổ chức hoạt động học online theo chương trình của trường, còn các trường công lập thì theo tinh thần hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện dạy và học trực tuyến để kết thúc chương trình.

Rất nhiều gia đình ở thành phố phải mua sắm thêm các thiết bị cho con học trực tuyến, chi phí tiền điện, tiền internet, tiền kết nối 3G, 4G tăng lên để cho con tham gia các buổi học trực tuyến... nên đây lại là khoản chi phát sinh do dịch COVID-19 bùng phát mà nhiều người lao động tham gia khảo sát lựa chọn, chiếm 41,2%.

Bên cạnh đó, chi phí nuôi dưỡng người thân do cách ly giữa các vùng là chi phí phát sinh cao thứ hai với hơn 28% người tham gia khảo sát phải chi trả. Do việc cách ly giữa các vùng, hoặc cách ly trong các khu vực phong tỏa nên khoản chi phí phát sinh do dịch mà người lao động phải chi trả cho việc nuôi dưỡng người thân tăng lên.

Các khoản chi phí này bao gồm tiền thuê nhà/khách sạn/nhà trọ, tiền ăn uống cho người thân trong gia đình bị mắc kẹt trong các vùng/thành phố cách ly không về nhà được, hoặc tiền chi trả cho người giúp việc để nuôi dưỡng bố mẹ già/trẻ em đối với người bị cách ly chi trả cho người ở vùng không cách ly hoặc ngược lại, hoặc đối với những cán bộ phải đi công tác làm nhiệm vụ chống dịch; chi phí cho người thân ở các thành phố khác do mất việc làm vì COVID-19.

Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần đầu, các chi phí xét nghiệm, chi phí trong khu cách ly được nhà nước chi trả 100%. Trong bối cảnh dịch kéo dài, người lao động có khi phải tự trả chi phí xét nghiệm COVID-19 để xác nhận khi di chuyển giữa các tỉnh/thành phố nên đây là khoản chi phí phát sinh cao thứ 3, với 22,9% người tham gia khảo sát phải chi trả.

Người lao động trong bối cảnh COVID-19: Mất việc và gánh nặng chi phí ảnh 2Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô và chính quyền địa phương trao quà cho hộ nghèo, người khó khăn ở quận Đống Đa, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Chi phí trả cho cá nhân người lao động hoặc cho người thân của họ trong khu vực cách ly chiếm 13,3% số người lao động trả lời. Chi phí này gồm chi phí tự trả khi người bị cách ly lựa chọn cơ sở cách ly có trả tiền, hoặc chi phí gửi đồ ăn vào các khu vực cách ly của nhà nước.

Ngoài ra, gần 15% số người trả lời khảo sát cho biết họ có chi phí phát sinh khác gồm chi phí lương thực, thực phẩm, điện, nước, tiền thuê nhà, tiền trả lãi vay ngân hàng.

Người lao động, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cũng như những lao động trong các thành phố đang thực hiện giãn cách như Hà Nội, Đà Nẵng phản ánh dù duy trì mức sinh hoạt tối thiểu nhưng họ phải trả cho giá lương thực, thực phẩm “tăng phi mã," “tăng đột biến," “tăng gấp hai, gấp ba”... cho dù họ được biết thông tin trên đài báo là Chính phủ, chính quyền các tỉnh/thành phố phải đảm bảo nguồn lương thực thiết yếu và bình ổn giá cả, nhưng thực tế người lao động không được hưởng sự bình ổn giá này.

Bên cạnh đó, người lao động cũng phản ánh thực trạng là chi phí điện, nước tăng đột biến khi con cái học online ở nhà và bản thân họ phải làm việc online ở nhà. Các chi phí thuê nhà, lãi vay ngân hàng đối với người mua nhà lần đầu mặc dù không tăng nhưng lại là gánh nặng rất lớn đối với lao động mất việc hoặc có việc nhưng tiền lương giảm. Họ không có nguồn tiền đều đặn từ tiền lương, thu nhập để chi trả cho khoản chi này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục