Người lính già và những ký ức không thể nào quên về chiến dịch Điện Biên Phủ

Ở tuổi 91 nhưng cựu chiến binh Đỗ Tiến - người trực tiếp tham gia 3 đợt tấn công từ ngày 13/3-7/5/1954 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ - vẫn nhớ như in những ký ức về ngày tháng chiến đấu.

Cựu chiến binh Đỗ Tiến được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương khi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)
Cựu chiến binh Đỗ Tiến được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương khi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Đã 70 năm trôi qua nhưng kỷ niệm, ký ức về những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vẫn in đậm trong tâm trí cựu chiến binh Đỗ Tiến, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) - người trực tiếp tham gia 3 đợt tấn công từ ngày 13/3 đến 7/5/1954 trong Chiến dịch này.

Bước sang tuổi 91 nhưng cựu chiến binh Đỗ Tiến vẫn giữ được phẩm chất của người lính từng được rèn luyện trong quân ngũ.

Trong căn phòng nhỏ, cựu chiến binh Đỗ Tiến giới thiệu với chúng tôi những kỷ vật ông mang theo khi chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ và gìn giữ cho đến ngày hôm nay.

TTXVN_0405cuuchienbinhDienbienphu2.jpg
Cựu chiến binh Đỗ Tiến vẫn lưu giữ những kỷ vật khi tham gia chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Cầm mảnh vải dù trên tay, cựu chiến binh Đỗ Tiến giới thiệu, đây là kỷ vật rất thân thiết với ông trong những ngày tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ.

Mảnh vải dù thu được của quân Pháp khi chúng thực hiện viện trợ cho binh lính Pháp bằng đường hàng không tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Trong suốt thời gian chiến đấu, ông dùng mảnh vải dù này để ngụy trang, làm chăn đắp mỗi khi ngủ rừng.

Cựu chiến binh Đỗ Tiến kể năm 1948, ông lên đường nhập ngũ khi tròn 17 tuổi. Năm 1953, ông được điều động vào Trung đoàn pháo cao xạ 367.

Đây là Trung đoàn pháo cao xạ chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau 8 tháng huấn luyện tại Trung Quốc, đến tháng 12/1953, Trung đoàn lệnh cho 2 Tiểu đoàn 383 và 394 hành quân về nước; trong đó có ông Tiến.

Khi về nước, toàn bộ đội hình 2 Tiểu đoàn cùng khí tài tập kết tại núi Nghiêm, thị xã Tuyên Quang chuẩn bị cho chiến dịch mang tên Trần Đình. Ông Tiến cho biết, mọi thứ đều phải bí mật, đóng quân gần nhà nhưng cũng không được về, mãi sau này, khi chiến dịch chính thức phát động cả đơn vị mới biết chiến dịch Trần Đình chính là Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nói về ký ức sâu đậm nhất của ông trong thời gian tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông nghẹn ngào, đó là sự hy sinh anh dũng của khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện khi đã dũng cảm quên mình lấy thân mình chèn pháo.

Hôm đó, khẩu đội của ông thực hiện kéo pháo vào vị trí. Trong lúc kéo pháo, một dây tời bị đứt khiến khẩu pháo bị lệch hướng lao xuống hất văng đồng chí làm nhiệm vụ chèn bánh pháo xuống vệ đồi.

TTXVN_0405cuuchienbinhDienbienphu3.jpg
Cựu chiến binh Đỗ Tiến tưởng nhớ các đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ. (Ảnh: Quang Cường /TTXVN)

Ngay lúc đó, khẩu đội trưởng Tô Vĩnh Diện đã lao vào, lấy thân mình chèn bánh pháo. Khi khẩu pháo được an toàn, chúng tôi mới xúm lại áp vào ngực xem anh nói được gì không. Lúc này ngực anh Tô Vĩnh Diện đã bị bánh pháo chèn nát, nhưng anh vẫn gắng hỏi: “Pháo có bị rơi không?”

Sự hy sinh anh dũng của anh hùng Tô Vĩnh Diện đã trở thành tấm gương sáng để các chiến sỹ thêm quyết tâm chiến đấu, đánh đuổi quân xâm lược.

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhiệm vụ của đơn vị ông Đỗ Tiến là yểm hộ bộ binh chiến đấu cả ngày lẫn đêm, thu hẹp phạm vi hoạt động của máy bay địch, hạn chế tiến tới xóa hẳn đường tiếp tế hàng không của chúng.

Sự xuất hiện của pháo cao xạ trên chiến trường Điện Biên Phủ là một bất ngờ lớn đối với thực dân Pháp. Theo ông Tiến, mỗi ngày địch huy động hơn 100 máy bay thả lương thực, đạn dược xuống Mường Thanh. Tuy nhiên, địch chỉ nhận được khoảng một nửa số lương thực.

Máy bay địch phải bay cao tránh cao xạ tầm trung của ta, khu vực thả dù lại quá hẹp nên một phần ba số đồ tiếp tế xuống trận địa ta, một số rơi xuống bãi mìn và những khu vực bị hỏa lực ta kiểm soát nên địch không thể thu lượm.

Cuộc chiến giữa pháo cao xạ với không quân địch diễn ra liên tục và vô cùng quyết liệt. Máy bay địch liên tục bị bắn rơi, sân bay Mường Thanh từng bước bị ta khống chế, cắt đứt con đường tiếp tế hàng không duy nhất của địch.

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Tiến tiếp tục tham gia Chiến dịch Xuân Mậu Thân năm 1968, Chiến dịch đường 9 Khe Sanh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Năm 1972, ông được điều động về giảng dạy tại Học viện Lục quân đến lúc nghỉ hưu.

TTXVN_0405cuuchienbinhDienbienphu4.jpg
Cựu chiến binh Đỗ Tiến trong một buổi ôn lại truyền thống, ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Quang Cường/TTXVN)

Năm 1989, Hội Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập, ông được tiến cử làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Tuyên Quang.

Trong suốt 13 năm công tác, ông có nhiều đóng góp xây dựng tổ chức Hội ngày càng lớn mạnh.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng hầu như năm nào cứ đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ cựu chiến binh Đỗ Tiến cũng được mời nói chuyện với học sinh các nhà trường, ôn lại truyền thống đánh đuổi giặc ngoại xâm, gìn giữ đất nước của thế hệ cha anh đi trước.

Đất nước hòa bình, người lính Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, đóng góp cho sự phát triển của địa phương.

Ông không quên nhắc nhở, động viên con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ cha anh đi trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục