Mùa Xuân năm nay, bà con dân tộc Mông ở xóm Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên dường như vui hơn vì điện lưới quốc gia đã chính thức về với dân bản.
Ngồi quây quần bên chiếc TV cả gia đình anh Vương Văn Pháo và chị Nông Thị Xía rộn ràng cười nói đông vui hơn hẳn, chiếc TV của anh chị không chỉ là cầu nối để người dân trong bản thêm gần nhau hơn, mà còn là nguồn giải trí, cung cấp thông tin giúp cho người dân trong bản có thêm tri thức, kinh nghiệm để áp dụng vào lao động sản xuất.
Chị Xía hồ hởi cho biết: “Vui lắm, vì từ nay dân bản đã có điện rồi, trước đây khi chưa có điện, đến 6 giờ tối là cả bản đã chìm trong bóng tối, muốn dùng TV hay nấu cơm bằng nồi điện cũng chịu, giờ có điện, cả bản mình ai cũng vui lắm.”
Bản Tèn nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển - nơi được mệnh danh là điểm xa nhất, cao nhất và khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, cả bản có 118 hộ với gần 600 nhân khẩu đều là dân tộc Mông sinh sống.
Ông Vương Văn Tình, trưởng bản tâm sự: “Được Đảng và Nhà nước quan tâm mang điện về cho cả bản nên chúng tôi rất vui. Tết này có điện, người dân cũng hăng hái sản xuất và có điều kiện để mua sắm TV cùng những đồ gia dụng khác.”
Cùng chung niềm vui có điện, các giáo viên tại phân trường tiểu học, mầm non bản Tèn có điều kiện nâng cao chất lượng dạy học cho con em đồng bào.
Thầy giáo Phạm Văn Tuấn, người đã gắn bó với Phân trường Bản Tèn-Trường tiểu học số 2 Văn Lăng được 4 năm, cho biết: “Trước đây chưa có điện, chúng tôi phải tranh thủ soạn giáo án, chuẩn bị bài giảng lúc trời còn sáng. Giờ có điện rồi, mọi việc đều thuận lợi hơn, giáo viên chúng tôi sẽ có thêm điều kiện để nâng cao chất lượng giảng dạy, các em học sinh cũng sẽ có điện sáng để học bài vào buổi tối. Các phòng học cũng sẽ được trang bị thêm quạt trong những ngày hè oi ả và các thiết bị hiện đại để học tập.”
Vậy là Tết này tất cả các hộ dân ở Bản Tèn đều có điện lưới quốc gia, điện tỏa về các xóm, bản, làm cho diện mạo làng quê miền núi vốn hẻo lánh này thay đổi.
Chủ tịch xã Văn Lăng Hoàng Xuân Trường vui mừng nói: "Có điện, bà con sẽ tiếp cận được nhiều thông tin qua thiết bị nghe, nhìn, làm cho nhận thức, phương thức sản xuất sẽ tiến bộ, việc học hành của con em cũng sẽ thuận lợi nhờ ánh điện thay thế những chiếc đèn pin, đèn dầu tù mù... điều này sẽ là động lực để người dân trong xã cùng thi đua phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo"./.