Người phụ nữ Mỹ tích cực hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị trao Huân chương Hữu nghị tặng bà Susan Marie Hammond, người sáng lập đồng thời là Giám đốc Chương trình của Tổ chức War Legacies Project (WLP) tại Việt Nam.
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước cho bà Susan Hammond - Người sáng lập của tổ chức WLP - Dự án Giải quyết Di sản chiến tranh (Mỹ). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga trao tặng Huân chương Hữu nghị của Chủ tịch nước cho bà Susan Hammond - Người sáng lập của tổ chức WLP - Dự án Giải quyết Di sản chiến tranh (Mỹ). (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 16/4, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga đã trao Huân chương Hữu nghị tặng bà Susan Marie Hammond (quốc tịch Mỹ), người sáng lập đồng thời là Giám đốc Chương trình của Tổ chức War Legacies Project (WLP) tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi Lễ, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga khẳng định, đây là một trong những phần thưởng cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dành tặng những tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực cho quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.

[Kiểm tra công tác xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa]

Bà Nguyễn Phương Nga đánh giá: "Trong suốt hơn 20 năm qua, bằng những nỗ lực không ngừng nghỉ, bà Susan Hammond đã dành nhiều tâm huyết để hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam.

Các dự án do bà và Tổ chức WLP xây dựng và thực hiện, ngoài việc mang đến những hỗ trợ thiết thực cho người hưởng lợi, còn mang ý nghĩa đặc biệt trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, nhất là khi những nguồn tài trợ ấy đến từ các cựu chiến binh Mỹ và gia đình họ với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau mà chiến tranh gây ra cho cả hai phía Việt Nam và Mỹ."

Người phụ nữ Mỹ tích cực hỗ trợ nạn nhân da cam Việt Nam ảnh 1 Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga và bà Susan Hammond, Người sáng lập của tổ chức WLP - Dự án Giải quyết Di sản chiến tranh (Mỹ) với các đại biểu. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hy vọng, bà Susan Hammond tiếp tục có những đóng góp hơn nữa cho Việt Nam trong những năm sắp tới.

Về phần mình, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cam kết sẽ đồng hành cùng bà Susan Hammond, Tổ chức WLP nói riêng và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài nói chung, để phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.

Chia sẻ tại đây, bà Susan Hammond cho biết, từ năm 1991 khi lần đầu tiên đặt chân đến mảnh đất mà cha bà từng tham chiến và được tận mắt chứng kiến những di chứng khủng khiếp của chất độc da cam, bà đã quyết tâm dành mọi tâm huyết và nỗ lực để nâng cao nhận thức của công chúng về những tác động dai dẳng của chất độc này và tìm kiếm các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân chất da cam ở Việt Nam.

Bày tỏ niềm tự hào và sự xúc động đặc biệt được đón nhận Huân chương Hữu nghị của Nhà nước Việt Nam, bà Susan Hammond hy vọng trong 25 năm tới bà sẽ vẫn tiếp tục làm việc và thực hiện thành công các dự án tâm huyết của mình tại Việt Nam.

Bà Susan Hammond là con gái một cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, đã sáng lập và điều hành Tổ chức phi chính phủ WLP có trụ sở chính tại Mỹ để triển khai các hoạt động hỗ trợ những người đang phải chịu những di chứng về sức khỏe và môi trường của cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Trước khi thành lập và điều hành WLP, bà Susan Hammond từng làm Phó Giám đốc Quỹ Hòa giải và Phát triển (FRD) (giai đoạn 1996-2007) với trách nhiệm thúc đẩy quan hệ song phương Việt-Mỹ, tăng cường giao lưu nhân dân giữa hai nước và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ, trường đại học của Mỹ xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ Việt Nam.

Những dự án do bà xây dựng và triển khai tại tỉnh Quảng Nam, Hà Nam, Thừa Thiên-Huế... để hỗ trợ Việt Nam tuy không có quy mô hay giá trị lớn về tài chính, nhưng đều rất thiết thực đối với người hưởng lợi và có ý nghĩa quan trọng trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, đặc biệt là khi nguồn tài trợ cho một số dự án đến từ chính các cựu binh Mỹ và gia đình, với mong muốn chung tay xoa dịu nỗi đau do chiến tranh gây ra cho cả hai phía Việt Nam và Mỹ.

Đặc biệt, bà Susan Hammond đã cùng nhiều phóng viên báo chí, nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tài liệu xây dựng nhiều phóng sự về ảnh hưởng của chất độc da cam ở Việt Nam.

Bà cũng viết sách, báo về ảnh hưởng của chất độc da cam và thuyết trình tại nhiều hội thảo, sự kiện trên khắp nước Mỹ.

Bà Susan Hammond cũng xây dựng và tiếp tục cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến chất độc da cam trên trang http://www.agentorangerecord.com, thu hút 35.000 lượt truy cập mỗi năm từ Mỹ, châu Âu, Canada và Việt Nam.

Bên cạnh đó, bà Susan Hammond còn là cố vấn cho tổ chức Ford Foundation trong Nhóm đối thoại Mỹ-Việt về chất độc da cam và Sáng kiến thông tin chất độc da cam ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục