Người tiêu dùng có xu hướng sử dụng sản phẩm chay vào Rằm tháng Giêng

Theo các chuyên gia kinh tế, Ngày Rằm tháng Giêng những năm gần đây người dân có xu hướng chuyển sang ăn chay để thanh lọc cơ thể, cầu phúc lộc trong năm mới.
Người tiêu dùng có xu hướng sử dụng sản phẩm chay vào Rằm tháng Giêng ảnh 1Một số món ăn chay Việt Nam (Nguồn: anchayvietnam)

Ngày Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Thượng Nguyên của người Việt, rất coi trọng khi ông bà ta có câu: "Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng" hay "Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng."

Với ý nghĩa đó nên ngày này nhiều gia đình thường lo sắm sửa lễ vật, hoa quả, vàng mã, mâm cơm cúng (chay hoặc mặn). Năm nay, ngày Rằm tháng Giêng rơi vào thứ sáu tức ngày 26/2/2021 dương lịch.

Theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây người dân có xu hướng chuyển sang thích ăn chay nhiều hơn, ưa chuộng các sản phẩm chay có nguồn gốc từ nông sản hữu cơ, với tâm niệm ăn chay để thanh tịnh cơ thể, cầu phúc lộc trong năm mới, đồng thời ăn chay đúng cách cũng giúp con người mạnh khỏe hơn.

Vì vậy, những ngày này mặt hàng thực phẩm chay phục vụ nhu cầu cúng lễ ngày Rằm tháng Giêng bắt đầu sôi động, sản phẩm đồ ăn chay cũng rất đa dạng, phong phú, hấp dẫn, dễ ăn nên sức tiêu thụ tăng mạnh, nhất là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.

Chị Nguyễn Thị Hồng, chủ cửa hàng chuyên bán đồ ăn chay ở phố 8/3, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng cửa hàng chị vẫn nhận được nhiều đơn hàng đặt các sản phẩm chay để phục vụ người tiêu dùng cúng Rằm tháng Giêng.

Đồ chay hiện nay rất đa dạng, phong phú để cho các gia đình lựa chọn khi làm mâm cơm chay cúng vào ngày Rằm tháng Giêng này. Chị Lê Thu Thảo, ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng Hà Nội cho biết, từ lâu nay, gia đình chị đã chọn làm cơm chay để cúng lễ ông bà tổ tiên vào những ngày lễ trọng trong năm.

Nhiều cửa hàng đồ chay mở ra cũng tạo thuận tiện cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn mua thực phẩm về làm hoặc có thể đặt sẵn mâm cơm chay. Giá cả một mâm cỗ chay thường dao động từ 750.000-1.100.000 đồng/mâm.

Theo bác Nguyễn Thị Nghĩa, người hay lên chùa Vạn Hạnh ở phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để giúp nấu cỗ chay cho biết, để nấu một mâm cỗ chay cũng không quá khó, người tiêu dùng mua giò chả, bánh chưng chay, gà chay thì chỉ cần xào thêm rau, nấu thêm canh là có thể dễ dàng hoàn thành mâm cỗ chay.

Điều quan trọng là người tiêu dùng nên chọn các cửa hàng có uy tín để mua sản phẩm, bởi vì nguyên liệu ngon quyết định thành công của mâm cỗ chay.

Một số hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Hapro, Fuji Mart, Co.op Mart, Vinmart, Big C... cũng đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất như Âu Lạc, Cầu Tre, Vissan với giá khá rẻ.

[Người trồng rau xanh, hoa tươi của Hà Nội kém vui vì ế ẩm]

Cụ thể nem chay dao động từ 58.000-74.000 đồng/kg; há cảo chay 62.000-66.000 đồng/kg, gà chay 70.000-100.000 đồng/con; giò nạc, giò bò, giò nấm: 60.000 đến 100.000 đồng/kg; cá, tôm chay dao động từ 100.000-300.000 đồng/kg…

Theo các siêu thị, những ngày gần đây sức tiêu thụ thực phẩm chay tăng từ 20-25% so với ngày thường, nguyên nhân là do người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng thuần chay organic (hữu cơ) qua đó giảm bớt lượng đường, mỡ trong máu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ, siêu thị Co.op Mart, Big C, Hapro… đang đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá từ 5-20% thực phẩm chay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước quảng bá sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm và dần chiếm lĩnh thị trường.

Năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19, nên các nhà hàng chay nổi tiếng cũng nhanh chóng chuyển sang dịch vụ nấu cỗ chay trọn gói đem về như: Vô Ưu chay, Bồ Đề Tâm, Vị Lai, Thiên Phúc…

Với mức giá từ 500.000 đến 700.000 đồng, người tiêu dùng có thể đặt một mâm cỗ chay gồm 5 đến 7 món như: gà chay hấp, nem, giò lụa, đậu chiên xù, nấm kho, nộm, rau xào, xôi vò hạt sen, canh…

Mâm cỗ chay 10 đến 12 món có giá từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng. Với những mâm cỗ chay bao gồm những món cao cấp như tôm chay nướng, bò chay xào lúc lắc, sườn chay chua ngọt, cá thu chay sốt, nộm cung đình… có mức giá dao động từ 1,5-2 triệu đồng/mâm.

Chủ một nhà hàng chay cho biết, combo mang về thường sẽ là những món khi để lâu cũng không bị ảnh hưởng đến chất lượng, dễ trình bày, trang trí đẹp và xu hướng truyền thống nhiều hơn. Khách hàng chỉ mất khoảng 5-10 phút làm nóng lại thức ăn là có thể có được một mâm cỗ chay như ý.

Cùng với các thực phẩm chay, trái cây, hoa cũng bán khá chạy. Tại một số chợ truyền thống tại Hà Nội như chợ Tân Mai, chợ Mơ, chợ Bưởi, thị trường đồ cúng cho ngày rằm tháng Giêng khá phong phú, giá cả các mặt hàng như thực phẩm, hoa quả tươi, vàng mã,… ít biến động.

Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên khách hàng thưa vắng, sức mua yếu. Song, do lường trước được lượng mua của khách hàng nên nhiều cửa hàng chủ yếu mua đến đâu bán đến đó, không găm hàng, tăng giá như các năm trước.

Ngoài thực phẩm chay, thị trường các san phẩm khác giá không tăng. Cụ thể, bánh chưng giá từ 30.000-40.000 đồng/chiếc, chả cốm 30.000 đồng/cái, giò lụa, giò nấm, giò thủ, chả quế có giá từ 75.000-150.000 đồng/kg, nem chay 50.000 đồng/hộp, chả tôm chay 55.000 đồng/hộp, chả gà 450 gram giá 80.000 đồng/con, gà trống 1,2kg giá 280.000 đồng, khoai lang kén, khoai lệ phố 40.000-45.000 đồng/hộp, canh ốc chuối đậu 45.000 đồng/hộp, canh măng mọc 50.000 đồng/hộp, nộm rong sụn 40.000 đồng/gói, mọc nấm, bò xào xả ớt 40.000 đồng/hộp, chả mực, cá kho riềng, cá điêu hồng, cá thu cắt lát,..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục