Người truyền cảm hứng cho nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch

Theo ông Phan Đình Xuân, chỉ có sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ sức khỏe của người tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường mới đem lại sự phát triển bền vững cho nông nghiệp.
Ông Phan Đình Xuân chăm sóc vườn cây dược liệu theo phương pháp canh tác hữu cơ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)
Ông Phan Đình Xuân chăm sóc vườn cây dược liệu theo phương pháp canh tác hữu cơ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng những nỗ lực vận động nông dân thay đổi phương thức canh tác, hướng đến sản xuất xuất nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường, nông dân Phan Đình Xuân (sinh năm 1955, trú thôn 8, xã Ea Ô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) trở thành người đi đầu và truyền cảm hứng cho nông dân hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch.

Là một quân nhân từng tham gia chiến trường miền Nam từ năm 1974, sau giải phóng ông tiếp tục công tác trong Đoàn Kinh tế Quốc phòng tại tỉnh Đắk Lắk. Trong quá trình công tác gắn liền với sản xuất nông nghiệp, ông đã nung nấu những ý tưởng về phát triển nông nghiệp sạch, đặt sức khỏe của người sử dụng và bảo vệ môi trường lên hàng đầu.

Chính vì vậy, ngay sau khi về hưu vào năm 2007, ông Xuân bắt tay vào việc hiện thực hóa các ý tưởng sản xuất nông nghiệp sạch và mong muốn sẽ được nhiều nông dân áp dụng.

“Quá trình công tác trong quân ngũ và nắm bắt thực tế sau khi về hưu, nhận thấy bà con nông dân còn canh tác theo kiểu lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, điều này về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, tác động trực tiếp đến năng suất cây trồng. Hơn nữa, xu hướng hiện nay là canh tác thuận theo tự nhiên, tạo ra sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ, an toàn cho người sử dụng và bảo vệ môi trường, do đó cần thay đổi nhận thức của người dân để hướng đến phát triển bền vững," ông Xuân chia sẻ.

Năm 2002, khi còn công tác, ông Phan Đình Xuân đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ khuyến nông thôn 8, xã Ea ô gồm 12 thành viên với mục đích tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, liên kết, giúp đỡ nhau trong phát triển nông nghiệp sạch và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Mục tiêu chiến lược của các thành viên trong câu lạc bộ là hiện thực hóa khẩu hiện “ba giảm, ba tăng” bao gồm, giảm phân bón, giảm chất hóa học, giảm số lượng giống cây trồng, tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế.

Người truyền cảm hứng cho nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch ảnh 1Ông Phan Đình Xuân chăm sóc vườn cây dược liệu theo phương pháp canh tác hữu cơ. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Theo ông Phan Đình Xuân, chỉ có sản xuất hữu cơ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, phục vụ sức khỏe của người tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường mới đem lại sự phát triển bền vững cho nền nông nghiệp hiện đại. Do đó, không chỉ nỗ lực thay đổi nhận thức, cách làm của các thành viên trong câu lạc bộ, ông Xuân còn tăng cường vận động nông dân trong và ngoài tỉnh cùng nhau thay đổi phương thức canh tác để hướng đến sản xuất bền vững.

Theo ông Xuân, hoạt động của Câu lạc bộ Khuyến nông đã “gây tiếng vang” lớn khi các thành viên bắt đầu gặt hái được thành công từ canh tác hữu cơ trên vườn cà phê, hồ tiêu và một số cây trồng khác.

Mặc dù hiệu quả kinh tế chưa thể bứt phá mạnh, nhưng cây trồng, sản lượng đều phát triển ổn định và bền vững, quan trọng hơn môi trường đất, nước được bảo vệ khi hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học.

[Chủ nhân của mô hình khu công nghiệp xanh, khu dân cư xanh]

Khi có được nền tảng vững chắc từ kiến thức, kinh nghiệm đến điều kiện kinh tế, năm 2007, ông Phan Đình Xuân tiếp tục đứng ra thành lập Hợp tác xã nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Hợp Nhất với mục tiêu liên hết những người làm nông nghiệp sạch, mở rộng thị trường để đưa các sản phẩm nông nghiệp sạch như càphê, hồ tiêu, măng tây, cam, quýt, gạo tím thảo dược… đến với người tiêu dùng trong cả nước.

Đặc biệt, Hợp tác xã Hợp Nhất còn là điểm tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp dịch vụ cây, con giống về trồng trọt và chăn nuôi cho những nông dân có đam mê và mong muốn theo đuổi sản xuất nông nghiệp sạch.

Ông Xuân cho biết từ khi thành lập đến nay, Hợp tác xã đã đón gần 7.000 lượt khách đến tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch. Nhiều người sau khi tham quan, được tư vấn đã thay đổi cách canh tác và thành công với sản phẩm nông nghiệp sạch.

Người truyền cảm hứng cho nông dân hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch ảnh 2Ông Phan Đình Xuân giới thiệu về sản phẩm trà thảo mộc nhiều năm liền được công nhận là sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngoài đảm nhận vai trò Giám đốc Hợp tác xã, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của chín xã viên, ông Phan Đình Xuân còn học hỏi và chế biến thành công sản phẩm trà thảo mộc từ các loại cây dược liệu như chùm ngây, đinh lăng, khổ qua… Đây cũng là sản phẩm nhiều năm liền được công nhận là sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng.

Ông Võ Huy Khôi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Ô, huyện Ea Kar, cho biết, “lão nông” Phan Đình Xuân đã có những sản phẩm hữu ích cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây là trường hợp đáng được học tập khi luôn đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường lên hàng đầu chứ không vì mục đích kinh tế.

Đáng quý hơn, ông Phan Đình Xuân còn nỗ lực đứng ra vận động, giúp đỡ người dân trong và ngoài tỉnh cùng nhau thay đổi phương thức canh tác, bảo vệ môi trường. Những nỗ lực không biết mệt mỏi của ông Xuân đều hướng đến mục tiêu “cảm hóa” cộng đồng, cùng nhau thực hiện ước mơ nông nghiệp sạch và phát triển bền vững.

Mặc dù đã gần 65 tuổi, nhưng ngọn lửa nhiệt huyết vì sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường không bao giờ tắt trong con người của lão nông Phan Đình Xuân.

Các sản phẩm của lão nông này liên tiếp gặt hái nhiều danh hiệu như huy chương vàng vì sức khỏe cộng đồng năm 2015, top 100 sản phẩm dịch vụ được yêu thích năm 2016, sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh Đắk Lắk năm 2017, kỷ niệm chương doanh nhân vì cộng đồng năm 2017.

Ông Phan Đình Xuân vinh dự trở thành đại diện của tỉnh Đắk Lắk trong Lễ vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 với thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Với những đóng góp của mình cho cộng đồng, lão nông Phan Đình Xuân xứng đáng trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ noi theo về tinh thần dám nghĩ dám làm và quyết tâm cùng nông dân thay đổi phương thức sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.