Nguồn cung khí đốt Nga qua đường ống Yamal-châu Âu giảm xuống mức 0

Thông tin của nhà vận hành Gascade ngày 30/3 cho biết nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Yamal-châu Âu thông qua trạm bơm Malnov ở biên giới Đức-Ba Lan đã giảm xuống mức 0.
Nguồn cung khí đốt Nga qua đường ống Yamal-châu Âu giảm xuống mức 0 ảnh 1Hệ thống khai thác khí đốt của Nga. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Hãng tin Reuters, dẫn thông tin của nhà vận hành Gascade ngày 30/3 cho biết nguồn cung khí đốt của Nga qua đường ống Yamal-châu Âu thông qua trạm bơm Malnov ở biên giới Đức-Ba Lan đã giảm xuống mức 0.

“Tính đến 14h00 giờ Moskva, dòng chảy theo hướng đông đến Ba Lan từ Đức qua đường ống Yamal-châu Âu qua Malnov đạt 1.451.155 kWh, sau đó giảm xuống 0. Đối với các dòng khí qua các đường ống dẫn khí khác hiện vẫn đang được thực hiện.”

Trước đó, tập đoàn độc quyền khí đốt Nga Gazprom đã quyết định đăng ký một phần công suất bơm khí đốt sang Đức qua Ba Lan thông qua đường ống dẫn khí đốt cho ngày vẫn hành khí đốt đầy đủ 30/3.

[Nga tiếp tục yêu cầu các nước trả tiền mua khí đốt bằng đồng ruble]

Reuters cũng lưu ý là việc giao hàng trên thực tế không được đảm bảo, vì công ty Nga không phải lúc nào cũng sử dụng hết công suất đã đặt trước.

Ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc họp với Nội các, đã thông báo rằng việc bán khí đốt tự nhiên và các mặt hàng xuất khẩu khác từ Nga sang các nước châu Âu và Mỹ sẽ sớm được chuyển đổi sang đồng ruble.

Ngày 28/3, nguyên thủ quốc gia Nga đã chỉ thị cho chính phủ, Ngân hàng Trung ương Nga và công ty Gazprom nộp báo cáo về việc đổi đồng tiền thanh toán sang đồng ruble khi cung cấp khí đốt cho các nước không thân thiện trước ngày 31/3.

Hầu hết các nước châu Âu đều phản đối ý kiến này. Cụ thể, các công ty Eni của Italy, OMV của Áo và PGNiG của Ba Lan đã không chấp nhận điều kiện này. Họ giải thích điều này là do hợp đồng của họ với Gazprom không quy định về sự thay đổi đơn vị tiền tệ thanh toán.

Ngoài ra, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết trong hội nghị thượng đỉnh G7, các nước thành viên của tổ chức này gọi quyết định của ông Putin là không thể chấp nhận được.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Tổng thống Putin rằng Pháp sẽ không thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble./.            

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.