Giá lương thực, thực phẩm trên thị trường rẻ hơn với nguồn cung dồi dào; giá điện, nước sinh hoạt cũng giảm theo nhu cầu tiêu dùng đi xuống. Đây là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tư giảm 0,04% so với tháng Ba, tăng 1,27% so với tháng 12/2020.
Thông tin trên được Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/4.
Như vậy, CPI tháng Tư đã tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước và CPI bình quân 4 tháng đầu năm tăng 0,89% và là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Theo đó, lạm phát cơ bản 4 tháng tăng 0,74%.
4/11 nhóm hàng hóa giảm giá
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy trong mức giảm 0,04% của CPI tháng Tư, khu vực thành thị giảm tới 0,08%, trong khi khu vực nông thôn vẫn tăng 0,01%.
Lý giải về điều này, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết nguyên nhân chủ yếu là do chỉ số giá nhóm lương thực của khu vực thành thị giảm 0,06%, song khu vực nông thôn lại tăng 0,03%.
Trong tháng, 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính đã giảm đồng thời có 6 nhóm tăng giá và nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giữ giá ở mức ổn định.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng giảm 0,13% (do giá gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, thủy sản xuống thấp nhờ nguồn cung dồi dào) và làm CPI chung giảm 0,04 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,43% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,08 điểm phần trăm) do chỉ số giá điện, nước sinh hoạt lần lượt giảm 0,73% và 1,57%. Cộng thêm, giá gas xuống 4,86% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm 20.500 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 65 USD/tấn (từ mức 610 USD/tấn xuống mức 545 USD/tấn).
Ngoài ra, nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,2%, lý do các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mại giảm giá đối với các sản phẩm điện thoại mẫu mã cũ. Và, nhóm văn hóa-giải trí-du lịch xuống 0,11% khi giá hoa, cây cảnh giảm đến 7,32% so với tháng Ba.
Trong 6 nhóm hàng tăng giá, lĩnh vực giao thông có mức tăng cao nhất với 0,87% (làm CPI chung tăng 0,08 điểm phần trăm). Bên cạnh đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%, nhóm giáo dục tăng 0,03%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01% và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,07%.
Về tỷ giá, đồng USD tăng giá trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ được kiểm soát chặt chẽ và triển vọng tiêm chủng vaccine phòng chống dịch COVID-19 ở châu Âu được cải thiện. Báo cáo cho biết tính đến ngày 24/4, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 92,01 điểm, tăng 0,14 điểm so với tháng Ba. Trong nước, lượng dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu, theo đó giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.170 VND/USD. Như vậy, chỉ số giá USD trong tháng đã tăng 0,29% so với tháng trước và giảm 1,35% so với cùng kỳ năm 2020, theo đó bình quân 4 tháng đã giảm 0,77%.
Tuy nhiên, giá vàng trong nước lại đang biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Cụ thể, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.755 USD/ounce, tăng 2,08% so với tháng Ba, trong khi chỉ số giá vàng trong nước giảm 1,9% so với tháng trước, tăng 13,84% so với cùng kỳ năm 2020 và bình quân 4 tháng tăng 20,84%.
“Mặc dù giá vàng trong nước giảm so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng,” bà Oanh nhấn mạnh.
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng 0,89%
Nguyên nhân khiến cho chỉ số giá tiêu dùng có mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, theo bà Oanh chủ yếu là do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán lên cao, điều này làm cho giá gạo bốn tháng tăng 7,76% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,2 điểm phần trăm.
Ngoài ra, giá các mặt hàng thực phẩm từ đầu năm cũng tăng 0,2% so với cùng kỳ và làm CPI tăng 0,04 điểm phần trăm, trong đó giá thịt bò tăng 2,72%, giá thịt chế biến tăng 3,54%. Dẫn đến, giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm, có mức tăng bình quân 2,07% so với cùng kỳ.
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, bà Oanh cho hay chỉ số giá một số mặt hàng đã giảm.
“Với việc Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ cho người dân và người sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong đó gói hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng trong quý 2 và quý 4/2020. Theo đó, giá điện sinh hoạt bình quân 4 tháng xuống 5,88% so với cùng kỳ và tác động làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm,” bà oanh chia sẻ.
Đánh giá chung, bà Oanh nhấn mạnh Tết Nguyên đán Tân Sửu diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại. Song trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe người dân, giữ vững ổn định kinh tế-xã hội.
Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân được đảm bảo tốt, thị trường được bình ổn kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội.
“Đặc biệt, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hàng năm, nguồn hàng hóa ổn định, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân,” bà Oanh nói.
Với mức lạm phát cơ bản trong tháng Tư tăng 0,07% so với tháng Ba và tăng 0,95% so với cùng kỳ, thì lạm phát cơ bản bình quân bốn tháng chỉ tăng 0,74% so cùng kỳ và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,89%).
“Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng. Và, mức lạm phát cơ bản tháng Tư và 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây,” bà Oanh chia sẻ./.