Nguồn lực giúp các doanh nghiệp Quảng Ninh giữ chân lao động

Quảng Ninh đã có 207.300 người lao động và trên 5.300 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của COVID-19, với số tiền trên 29 tỷ đồng.
Nguồn lực giúp các doanh nghiệp Quảng Ninh giữ chân lao động ảnh 1Anh Nguyễn Minh Tuân, nhân viên khách sạn Hải Yến ( TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) được nhận 3 tháng lương do đơn vị chi trả từ gói cho vay trả lương ngừng việc. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại địa phương, đến nay Quảng Ninh đã có 207.300 người lao động và trên 5.300 cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của COVID-19, với số tiền trên 29 tỷ đồng.

Tuy nhiên, riêng đối với doanh nghiệp vay vốn trả lương phục hồi sản xuất và lao động tự do không có giao kết hiện vẫn chưa có trường hợp nào được giải ngân. Tỉnh đang thực hiện các giải pháp giúp nhiều doanh nghiệp tiếp cận được gói hỗ trợ này.

Chính sách kịp thời

Bà Vũ Thị Lan, 74 tuổi ở tổ 1 khu 6, phường Đại Yên, thành phố Hạ Long một mình nuôi 3 cháu mồ côi; trong đó, có 1 cháu mồ côi cả cha và mẹ được hưởng chế độ bảo trợ xã hội hàng tháng. Bản thân bà Lan được hưởng chính sách hộ nghèo cho người ngoài 70 tuổi. Còn lại hai cháu đang học cấp hai, một cháu mồ côi bố và một mồ côi mẹ không có chế độ bảo trợ.

Trong đợt hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, hai cháu của bà Lan thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/cháu. Số tiền này đã giúp bà Lan có tiền để mua sách vở, đồng phục cho các cháu chuẩn bị vào năm học mới.

Bà Lan xúc động chia sẻ, với bà và các cháu, số tiền hỗ trợ này rất ý nghĩa, kịp thời, nếu không có thì bà cũng chưa biết phải xoay xở ra sao.

Còn với anh Nguyễn Minh Tuân, cán bộ kỹ thuật của khách sạn Hải Yến (thành phố Cẩm Phả) ngày 25/8 vừa được nhận 3 tháng lương cơ bản tương đương với 11,760 triệu đồng từ nguồn vay trả lương ngừng việc do đơn vị sử dụng lao động chi trả.

Anh Tuân cho biết, từ tháng 5 anh phải nghỉ việc, gia đình rất chật vật do không có thu nhập, trong khi nhà có 5 người già, trẻ, do vậy 3 tháng lương này như là cứu cánh để lo cho các con chuẩn bị năm học mới và trang trải cuộc sống.

[Những vướng mắc trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt bão COVID-19]

Là một trong số doanh nghiệp đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn cho vay không lãi suất trong vòng 3 tháng để trả lương ngừng việc, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ du lịch Cẩm Phả được vay 529,2 triệu đồng để trả lương cho 45 lao động bị ngừng việc từ tháng 5/2021.

Theo ông Phan Xuân Chiến, Giám đốc khách sạn Hải Yến thuộc Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ du lịch Cẩm Phả, từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khách sạn gần như không hoạt động, người lao động cũng bị nghỉ việc hoặc thay phiên trực để có nguồn thu nhập tối thiểu. Từ tháng 5 trở lại đây, trên 90% nhân viên nghỉ việc, chỉ còn lại khoảng 5 lao động để duy trì, trông coi.

Nguồn lực giúp các doanh nghiệp Quảng Ninh giữ chân lao động ảnh 2Bà Vũ Thị Lan (74 tuổi), Phường Đại Yên, TP Hạ Long xúc động vì có được khoản hỗ trợ cho hai cháu thuộc diện hộ nghèo bị ảnh hưởng dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vân/TTXVN)

Mỗi tháng các chi phí nhân công, điện, nước bảo trì cơ sở vật chất cho khách sạn vào khoảng 300 triệu đồng nên rất khó khăn. Việc được cho vay không lãi suất để trả cho người lao động sẽ vừa chia sẻ với lao động, vừa giúp khách sạn giữ lao động.

Hỗ trợ thủ tục cho lao động tự do

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, đến ngày 27/8, Quảng Ninh đã có 207.300  người được nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của COVID-19 từ Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 tại địa phương.

Đối với nhóm doanh nghiệp cho vay trả lương phục hồi sản xuất chưa có đơn vị nào được vay vốn do yêu cầu doanh nghiệp phải có “bản sao thông báo quyết toán thu nhập thuế doanh nghiệp năm 2020 của cơ quan thuế đối với người sử dụng lao động” trong quyết định 23/2021/QĐ-TTg.

Bởi, theo các doanh nghiệp thông thường phải từ 3-5 năm họ mới thực hiện báo cáo, còn hàng nằm chỉ có tờ khai thông báo thuế điện tử của cơ quan thuế. Còn đối với nhóm lao động tự do, không có giao kết theo rà soát có khoảng 11.000 người, nhưng đến nay vẫn chưa có lao động nào làm đơn lên xã, phường tại địa phương nơi cư trú.

Ông Vũ Sỹ Hùng, Trưởng phòng Lao động, việc làm, tiền lương, Bảo hiểm xã hội thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Ninh thông tin, để cụ thể Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 về việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Nhóm lao động tại điểm 12 mục II của Nghị quyết 68/NQ-CP sẽ có các đối tượng được hỗ trợ gồm: người thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hoá; lái xe mô tô 2 bánh hoặc 3 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ xổ sổ lưu động; làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn, uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khoẻ, cắt tóc trên vỉa hè hoặc trong chợ; bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điếm cố định; làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; thợ xây, phụ nề, thợ sơn, thợ các công trình xây dựng... cũng được thụ hưởng khi phải dừng việc do yêu cầu của chính quyền để phòng chống dịch COVID-19.

Điều kiện để được hỗ trợ là lao động tự do được công an xác nhận cư trú hợp pháp trên địa bàn Quảng Ninh, mất việc làm do phải cách ly y tế hoặc trong khu vực bị phong tỏa. Hoặc, phải dừng, tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch.

Ông Hùng cũng chia sẻ thêm, đến nay các địa phương đang rà soát đối chiếu với các văn bản, quyết định phong tỏa, cách ly, tạm dừng hoạt động của chính quyền các cấp để qua đó xác định được những khu vực, đối tượng lao động tự do nào trong diện được thụ hưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.