Báo Kinh doanh hiện đại của Nhật Bản số ra ngày 25/2 đã có bài viết đánh giá về lao động nước ngoài, trong đó nhận định Việt Nam tiếp tục là một trong những nguồn cung cấp lao động quan trọng cho sự phục hồi và phát triển kinh tế của Nhật Bản hậu COVID-19.
Dẫn nguồn báo cáo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tháng 10/2020, bài báo cho biết số lao động nước ngoài tại Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục là 1,72 triệu người, tăng 4% so với năm 2019. Trong đó, lao động nước ngoài tăng mạnh ở các ngành như xây dựng tăng 19%, y tế và phúc lợi xã hội tăng 26,8%.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Nhật Bản đã áp dụng việc hạn chế nhập cảnh. Tuy nhiên, sau giai đoạn thực hiện tình trạng khẩn cấp vào giữa năm 2020, Chính phủ Nhật Bản đã đưa ra một “khung ngoại lệ được xây dựng phục vụ nhập cảnh nguồn lao động cần thiết cho kinh doanh," cho phép tiếp nhận lao động nước ngoài khi đáp ứng các điều kiện phòng dịch như được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 từ trong nước, tự cách ly trong vòng 14 ngày... Việt Nam là nước đáp ứng tốt nhất các điều kiện này nên số lao động người Việt tại Nhật Bản đã không ngừng gia tăng thời gian qua.
[Vượt Trung Quốc, Việt Nam có lực lượng lao động lớn nhất tại Nhật Bản]
Bài viết nêu rõ trong năm 2020, lao động người Việt tăng 10,6% và chính thức vượt Trung Quốc trở thành cộng đồng lao động nước ngoài đông nhất tại Nhật Bản (443.998 người Việt Nam so với 419.431 người Trung Quốc). Đa số lao động người Việt tới Nhật Bản là thực tập sinh kỹ năng và trên thực tế đây là nguồn cung cấp quan trọng cho các ngành nghề đang thiếu lao động trầm trọng tại Nhật.
Bên cạnh thực tập sinh kỹ năng, du học sinh Việt Nam theo học tại các trường tiếng Nhật cũng hứa hẹn tiềm năng đóng góp cho thị trường lao động Nhật Bản. Theo quy định của Chính phủ Nhật Bản, du học sinh được phép làm thêm ngoài giờ tối đa 28 tiếng/tuần và tối đa 40 tiếng/tuần trong thời gian nghỉ hè.
Bài báo khẳng định nhu cầu về lao động nước ngoài chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên tại Nhật Bản sau khi nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và còn tăng cao hơn nữa sau khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được khống chế./.