Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên Nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Minh Khuyến cho biết tài nguyên nước của Việt Nam hiện đang “quá thừa, quá thiếu và quá bẩn” là nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế-xã hội. Do vậy thời gian tới cần phải tăng cường hợp tác chia sẻ trong việc khai thác nguồn nước liên quốc gia trên các sông xuyên biên giới.
Nhân Ngày Nước thế giới (22/3) năm 2024 với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình,” phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Khuyến xoay quanh nội dung trên.
Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về nước
- Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là quốc gia được ưu ái về nguồn nước, tuy nhiên với sự phát triển dân số và kinh tế, an ninh nguồn nước của Việt Nam hiện nay cũng đang bị đe dọa. Ông có thể chia sẻ rõ hơn những thách thức chính về nguồn nước mà chúng ta đang đối mặt?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thảm họa thiên tai lớn nhất Đông Nam Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Dù chưa phải là quốc gia thiếu nước nghiêm trọng song trong những năm gần đây, tài nguyên nước của Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn như: Thiếu nước, phân bố nước không đều theo không gian, thời gian; tác động của biến đổi khí hậu; ô nhiễm nguồn nước.
Phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030
Ngày 6/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Quy hoạch Tài nguyên Nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đáng nói là dù được ưu ái về nguồn nước song nguồn nước của Việt Nam lại phụ thuộc lớn vào nước ngoài. Tổng lượng nước từ nước ngoài chảy vào Việt Nam là 520 tỷ m3, chiếm 63% tổng lượng dòng chảy của các sông ở nước ta.
Trong khi đó việc sử dụng nước trên các lưu vực sông còn xảy ra mâu thuẫn, chưa có tính liên kết; khả năng tiếp cận nước sạch an toàn chưa cao; hiệu quả khai thác sử dụng nước trong các ngành còn thấp; tỷ lệ thất thoát nước cho cấp nước đô thị và nông thôn còn ở mức cao (khoảng 25%); vấn đề về nguồn lực để giải quyết tổng thể vấn đề an ninh nguồn nước còn hạn chế...
Hệ lụy là tài nguyên nước Việt Nam đang “quá thừa, quá thiếu, quá bẩn” và đang là mối đe dọa, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế-xã hội.
- Vậy để cải thiện thực trạng trên, Luật Tài nguyên Nước năm 2023 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, đã bổ sung những điểm mới gì nhằm bảo vệ nguồn nước, đảm bảo quyền tiếp cận nước của người dân, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Để quản lý và giải quyết các thách thức về tài nguyên nước ở Việt Nam, việc xây dựng chính sách đòi hỏi cần phải hướng đến bảo đảm an ninh nguồn nước; xã hội hóa ngành nước; kinh tế tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Các nhóm chính sách trên đã được Luật Tài nguyên Nước 2023 cụ thể tại 10 điểm mới quy định về: Nguyên tắc quản lý, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng-chống và khắc phục tác hại do nước gây ra; điều tra cơ bản tài nguyên nước, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; quy định về bảo vệ, phục hồi nguồn nước.
Cùng với đó là điều hoà, phân phối tài nguyên nước; khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống, khắc phục tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế, chính sách, nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên nước; hợp tác quốc tế về tài nguyên nước; thanh tra, kiểm tra về tài nguyên nước; quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước.
Trong các điểm mới trên, luật đã quy định về nguyên tắc quản lý và trong số các nguyên tắc quản lý có nguyên tắc “bảo đảm an ninh nguồn nước để mọi người dân được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lý.”
Luật cũng quy định chính sách “ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân ở các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện tiếp cận nước sinh hoạt cho người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và các đối tượng dễ bị tổn thương khác.”
Đảm bảo nước cho “Vựa lúa số 1 Việt Nam”
- Một trong những thách thức như ông đề cập ở trên là ô nhiễm và cạn kiệt nguồn nước. Vậy để giải quyết vấn đề này, nhất là đối với vùng "Vựa lúa số 1 của cả nước," Việt Nam đã và đang có giải pháp cụ thể gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Trước các thách thức lớn về nguồn nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo để tìm ra giải pháp tổng thể nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho nhu cầu sinh hoạt và phát triển đất nước.
Đơn cử như Nghị quyết số 24-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và nhiều nghị quyết của Quốc hội.
Thời gian qua, Cục Quản lý Tài nguyên Nước cũng tham mưu trình Bộ Tài nguyên và Môi trường trình cấp có thẩm quyền nhiều nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chính sách; quy hoạch tài nguyên nước và các nhiệm vụ cụ thể về điều tiết nước, bảo vệ nguồn nước, lập dự án phục hồi nguồn nước.
Trong số đó có Quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy định nhóm nội dung về bảo vệ, điều hòa phát triển tài nguyên nước, phòng chống khắc phục tác hại do nước gây ra; đề xuất giải pháp xây dựng quy trình vận hành liên hệ thống công trình thủy lợi trong vùng nhằm tích trữ nước ngọt phù hợp.
Quy hoạch trên cũng đề cập đến các nội dung như: Phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông; quy định trách nhiệm triển khai thực hiện quy hoạch của từng địa phương; thực hiện các phương án điều hòa, phân bổ nguồn nước; chủ động đóng mở kênh trữ đảm bảo việc trữ nước, tránh ứ đọng gây ô nhiễm nguồn nước; ban hành danh mục các hồ, ao không được san lấp.
Cùng với đó là việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm sự hỗ trợ về nguồn lực phục vụ quản lý, phục hồi nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước, chia sẻ thông tin đối với các nguồn nước xuyên biên giới; nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để sử dụng nước tuần hoàn, tiết kiệm và tái sử dụng nước, quản lý, bảo vệ nguồn nước phù hợp với đặc thù của lưu vực.
Tăng cường hợp tác chia sẻ nguồn nước
- Trong bối cảnh tài nguyên nước ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, Ngày Nước thế giới (22/3) năm 2024 được Liên Hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình.” Xin hỏi chủ đề này có ý nghĩa như thế nào đối với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay?
Ông Nguyễn Minh Khuyến: Ngày Nước thế giới năm 2024 được Liên hợp quốc phát động ̣với chủ đề “Nước cho hòa bình” tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới.
Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên hợp quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới.
Với Việt Nam - chúng ta có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên, trong đó 405 sông, suối liên tỉnh gồm cả sông xuyên biên giới; 3.045 sông, suối nội tỉnh, các hệ thống sông lớn đều là sông xuyên biên giới như sông Hồng, Mã, Sê San, Srepork, Mekong (Cửu Long),... Vì thế chủ đề nước thế giới năm 2024 càng nhắc chúng ta phải tăng cường hợp tác chia sẻ trong việc khai thác nguồn nước liên quốc gia trên các sông xuyên biên giới.
Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu đang tăng lên, các quốc gia phải đoàn kết, cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, cân bằng lợi ích từ nước đối với các quốc gia sử dụng chung nguồn nước. Do đó đoàn kết là động lực ổn định, là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững và là “Nước cho hòa bình.”
Ngược lại nếu không đoàn kết, nếu không công bằng thì nước - có thể là nguyên nhân gây ra xung đột khi lợi ích của những người sử dụng nước khác nhau, không thể hòa giải hoặc khi số lượng, chất lượng nước giảm, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Ngoài ra nếu không hợp tác chia sẻ nguồn nước - nước cũng có thể là vũ khí trong xung đột vũ trang, được sử dụng như một phương tiện để giành hoặc duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ và dân cư hoặc như một phương tiện gây áp lực cho các nhóm đối thủ; là nguyên cớ của xung đột khi tài nguyên nước là mục tiêu của bạo lực như các cuộc tấn công vào hệ thống đê điều, các nhà máy nước, gây ra những rủi ro nghiêm trọng...
Vì vậy, ủng hộ chủ đề Ngày Nước Thế giới năm 2024 là “Nước cho hòa bình,” Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã chia sẻ: “...Chúng ta phải hành động dựa trên nhận thức rằng nước không chỉ là tài nguyên để sử dụng và cạnh tranh mà còn là quyền của con người, vốn có trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Chúng ta cần đoàn kết và sử dụng nước vì hòa bình, đặt nền móng cho một ngày mai ổn định và thịnh vượng hơn.”
- Trân trọng cảm ơn ông!