Nguy cơ bài ngoại tái bùng phát ở Nam Phi: 'Bóng ma' quá khứ hiện về!

ADF đánh giá tình trạng bài ngoại, tấn công người nước ngoài tại Nam Phi trở nên tồi tệ hơn do các nhân viên cảnh sát tham nhũng cố tình phớt lờ các cáo buộc cưỡng đoạt .
Nguy cơ bài ngoại tái bùng phát ở Nam Phi: 'Bóng ma' quá khứ hiện về! ảnh 1Các cửa hàng của người nước ngoài bị đập phá tại thành phố Johannesburg. (Ảnh: Phi Hùng/TTXVN)

Trang dailymaverick.co.za đã đăng bài phân tích của các tác giả Godfrey Mulaudzi - chuyên gia thuộc Chương trình Giám sát Bạo lực công cộng, Lizette Lancaster - Giám đốc Trung tâm tội phạm, công lý và phòng chống bạo lực thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Nam Phi (ISS) và Gabriel Hertis- Quyền Thư ký và Thành viên Sáng lập của Diễn đàn Cộng đồng kiều dân châu Phi (ADF) về tình trạng bài ngoại tại Nam Phi. Nội dung chính của bài viết như sau:

Năm 2020 là một năm đầy tang thương đối với những người di cư gốc Phi và gốc Á ở Nam Phi. Nếu các xu hướng trong quá khứ tiếp tục diễn tiến, thời gian tới có thể có nhiều thương vong hơn.

Đoạn phim gây sốc về các cuộc tấn công bài ngoại xuất hiện hôm 8/3 vừa qua, trong đó ghi lại hình ảnh một số cửa hàng bị cướp phá và tấn công bằng bom xăng ở khu trung tâm thương mại Durban, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi. Vụ tấn công đã khiến 2 người nước ngoài phải nhập viện.

Trước đó cũng đã xảy ra các vụ tấn công tương tự vào tháng 11/2020 và tháng 1/2021 bởi những người tự xưng là thành viên của Hội Cựu chiến binh Mkhonto we Sizwe (MK)- nhánh vũ trang trong thời kỳ chống phân biệt chủng tộc (Apartheid) của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền và đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) thuộc liên minh cầm quyền hiện nay.

Những kẻ tấn công yêu cầu “những người cư trú bất hợp pháp, không có giấy tờ” phải rời khỏi Nam Phi, đồng thời dành việc làm và công việc kinh doanh cho người Nam Phi.

[Nhóm A3 quyền lực và khả năng giải quyết khủng hoảng ở châu Phi]

Trong tuần đầu tiên của tháng 2 vừa qua, các chủ cửa hàng tạp hóa ở Vịnh Nelson Mandela, tỉnh Eastern Cape, đã biểu tình sau khi 4 chủ cửa hàng người Somalia bị bắn chết trong các vụ nghi vấn cướp của xảy ra chỉ trong một tuần.

Các chủ cửa hàng cáo buộc cảnh sát đã không điều tra và bắt giữ các băng nhóm tấn công các chủ doanh nghiệp từ chối trả tiền bảo kê. Người dân Nam Phi cũng trở thành nạn nhân của các băng nhóm này.

Báo cáo của các thành viên ADF cho thấy trong 10 năm qua, hơn 40.000 cửa hàng của kiều dân đã bị bỏ hoang do lo sợ vấn nạn cướp giật và giết người. ADF cũng ghi nhận 300 người Bangladesh thiệt mạng trong giai đoạn 2011-2015, riêng tại tỉnh KwaZulu-Natal đã có 47 người Ethiopia bị giết trong năm 2015.

ADF đánh giá tình trạng bài ngoại, tấn công người nước ngoài tại Nam Phi trở nên tồi tệ hơn do các nhân viên cảnh sát tham nhũng cố tình phớt lờ các cáo buộc cưỡng đoạt và thường yêu cầu một khoản phí bảo kê hàng tháng.

Nghiên cứu của ISS cho thấy các quan chức chính phủ và cảnh sát thường bỏ qua những khẩn cầu của những người nhập cư bất hợp pháp.

Trong Thông điệp quốc gia hồi tháng 2, Tổng thống Cyril Ramaphosa cho biết Nam Phi đã thành lập các đội đặc nhiệm ở nhiều tỉnh để đối phó với xu hướng tội phạm ngày càng gia tăng tại nước này.

Điều này có thể giải quyết một số mối nguy hiểm trước mắt, nhưng sẽ không thay đổi thái độ bài ngoại. Vấn đề gây tranh cãi chủ yếu là việc người dân địa phương cho rằng những người nhập cư đang cạnh tranh giành nguồn lực trong bối cảnh nghèo đói, mất an ninh lương thực và tỷ lệ thất nghiệp cao ở Nam Phi.

Người dân Nam Phi chắc chưa thể quên tình trạng bài ngoại năm 2008 khiến 62 người nước ngoài thiệt mạng và hơn 200.000 người nước ngoài tại Nam Phi phải tìm nơi trú ẩn an toàn.

Nhiều chuyên gia cho rằng thái độ và hành động của các chính trị gia trước cuộc tổng tuyển cử năm 2009 đã thổi bùng những cuộc tấn công này. Một số đại diện của các đảng phái chính trị đã đổ lỗi cho những người nước ngoài nhập cư về những khó khăn mà các cử tri đang tuyệt vọng đối mặt, trong đó có tình trạng thất nghiệp và dịch vụ công yếu kém.

Tháng 4/2019, Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) đã cảnh báo về các cuộc tấn công bài ngoại gia tăng trước cuộc tổng tuyển cử tháng 5/2019. Dựa trên các xu hướng trong quá khứ, nhiều khu vực đô thị sẽ vẫn là điểm nóng của các cuộc tấn công bài ngoại trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương dự kiến diễn ra trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 tới và có thể lan sang các khu vực khác.

Trong bối cảnh dịch vụ công ở cấp địa phương còn yếu kém, năm 2021 có thể sẽ chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công bài ngoại ở mức tương tự như đã ghi nhận trước các cuộc bầu cử trước đây.

Hơn nữa, trong 12 tháng qua, chiến dịch truyền thông xã hội có tên #PutSouthAfricaFirst (Đặt Nam Phi trước tiên) đang trở nên phố biến hơn với việc yêu cầu trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.

Để ngăn chặn các cuộc tấn công bài ngoại và thúc đẩy sự gắn kết và khoan dung trong xã hội, tháng 3/2019, Chính phủ Nam Phi đã thông qua Kế hoạch Hành động quốc gia chống phân biệt, kỳ thị chủng tộc, bài ngoại và sự không khoan dung liên quan đến chủng tộc (NPA).

Các can thiệp cấp cộng đồng hiện đang được triển khai thí điểm thông qua Nhóm đặc nhiệm chống bài ngoại do Bộ Tư pháp và Phát triển Hiến pháp phối hợp với Bộ Phát triển xã hội tổ chức. Một số tổ chức xã hội dân sự và khu vực công như ISS và ADF cũng tham gia chương trình này.

Các biện pháp can thiệp bao gồm giáo dục cộng đồng về tình cảnh của người nhập cư, cũng như tăng cường khả năng phục hồi của cộng đồng và hệ thống cảnh báo sớm thông qua các diễn đàn đối thoại và đào tạo các nhà lãnh đạo cộng đồng.

Lãnh đạo cấp trung ương và cấp cơ sở đã hợp tác với xã hội dân sự để giải quyết vấn đề bài ngoại tại Nam Phi. Đến nay, NPA đang ở giai đoạn sơ khai và thiếu nguồn lực, chưa đủ mạnh để có tác động thực chất trước cuộc bầu cử địa phương năm 2021./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.