Nguy cơ cháy rừng cao ở Phú Quốc và Vườn quốc gia U Minh Hạ

Tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài khiến rừng ở huyện đảo Phú Quốc và Vườn quốc gia U Minh Hạ đứng trước nguy cơ cháy rất cao.
Nguy cơ cháy rừng cao ở Phú Quốc và Vườn quốc gia U Minh Hạ ảnh 1Biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng của Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc đã chuyển sang mức dự báo cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. (Ảnh: Nhu Giang/Vietnam+).

Tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài và suy kiệt nguồn nước khiến khoảng 37.000ha rừng - mảng xanh chiếm tới 2/3 diện tích tự nhiên của huyện đảo Phú Quốc đang đối mặt với nguy cơ cháy cao, ở mức dự báo cháy cấp cực kỳ nguy hiểm.

Từ tháng 3/2016, huyện đảo Phú Quốc đã nâng mức độ cảnh báo cháy rừng trên địa bàn toàn huyện lên cấp V - cấp cực kỳ nguy hiểm.

Ông Phạm Quang Bình, Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc cho biết do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, nắng hạn kéo dài gay gắt hơn mọi năm, cao điểm mùa khô đến sớm, nên mức độ cảnh báo cháy rừng cấp 5 trên toàn huyện Phú Quốc được đưa ra khá sớm so với những năm trước.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc, hiện các vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao được xác định tại hầu hết các xã, thị trấn trên toàn huyện gồm khu vực Đồng Tràm ấp Bãi Vòng, Đồng Tràm Bãi Bổn (xã Hàm Ninh), khu vực đồng Cây Sao (xã Cửa Dương), khu vực núi Du Hương, bãi Cây Da (xã Dương Tơ), khu vực Đồng Tràm Bãi Thơm, Đồng Lớn Rạch Tràm (xã Bãi Thơm), khu vực Đồng Lớn Gành Dầu (xã Gành Dầu); khu vực Đồng Bà (xã Cửa Cạn), xã đảo Hòn Thơm và một số khu vực thuộc thị trấn An Thới.

Ông Huỳnh Long Hải, Phó Ban Chỉ đạo Phòng cháy Chữa cháy và Cứu hộ Cứu nạn huyện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Phú Quốc cho biết nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn cao do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng nắng nóng, khô hạn kéo dài…; ý thức trong việc sử dụng lửa sinh hoạt hàng ngày, đốt vườn rẫy, đồng cỏ chăn nuôi gia súc của một bộ phận cư dân chưa cao…

Nguy cơ cháy rừng cao ở Phú Quốc và Vườn quốc gia U Minh Hạ ảnh 2Tuần tra bảo vệ rừng trên cánh rừng Đồng Bà, xã Cửa Cạn, huyện Phú Quốc. (Ảnh: Nhu Giang/Vietnam+)

Trước tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, huyện Phú Quốc đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn trong cao điểm mùa khô năm 2016.

Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiến hành rà soát, thống kê, bổ sung kịp thời các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng của các xã nằm trên địa bàn Vườn Quốc gia Phú Quốc, kiện toàn Ban chỉ đạo Phòng cháy Chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ các cấp, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao, bố trí lực lượng ứng trực từng vùng trên địa bàn quản lý…, huyện Phú Quốc còn chú trọng đến các biện pháp kỹ thuật phòng chống cháy rừng, cũng như công tác phối hợp bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng.

Lực lượng kiểm lâm thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ và chính quyền địa phương các xã, thị trấn thiết lập các lán trại, đóng quân tại rừng, tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ, tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các khu vực trọng điểm phá rừng, khai thác rừng trái phép và khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao…

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến hết tháng 3/2016, trên địa bàn huyện Phú Quốc đã xảy ra hàng chục vụ cháy rừng với tổng diện tích thiệt hại lên đến gần 100ha thuộc lâm phần hoặc vùng đệm của Vườn Quốc gia Phú Quốc, rừng phòng hộ, rừng thuộc các dự án đầu tư phát triển và đất rừng nông nghiệp của người dân; hầu hết các vụ cháy đều chưa xác định được nguyên nhân.

Nguy cơ cháy rừng cao ở Phú Quốc và Vườn quốc gia U Minh Hạ ảnh 3Hiện trường một vụ cháy rừng tại khu vực giáp ranh xã Cửa Cạn và xã Gành Dầu. (Ảnh: Nhu Giang/Vietnam+)

Trong khi đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cũng cho biết rừng tràm U Minh Hạ trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ cháy rất cao. Toàn bộ diện tích rừng 45.000ha đã khô nước; trong đó, có 35.000 ha đang ở mức báo động cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm, 10.000ha ở mức báo động cấp IV, cấp huy hiểm.

Đáng chú ý, Vườn quốc gia U Minh Hạ có diện tích 8.500 ha và các tuyến kênh trong rừng với chiều dài gần 100km cũng không còn nước.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ cho biết, chưa có lúc nào rừng quốc gia bị khô nước như hiện nay. Nhân viên kiểm lâm tích cực phối hợp với người dân sở tại triển khai tất cả các phương án phòng chống cháy rừng với điều kiện tốt nhất. Từ trước đến nay rừng quốc gia không xảy ra cháy lớn nhờ Ban Quản lý rừng chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống cháy.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm cho hay, kế hoạch phòng chống cháy rừng mùa khô năm 2016 đã được phê duyệt, mọi phương án cũng như phương tiện, lực lượng, hậu cần điều đã sẵn sàng.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau đã hình thành Ban Chỉ huy phòng chống cháy rừng từ cấp tỉnh tới cấp xã, lâm trường, các công ty lâm nghiệp. Mỗi ngày có trên 500 người thay phiên nhau trực chữa cháy cả ngày lẫn đêm. Phương châm của chính quyền địa phương là phấn đấu không để cháy, nếu cháy phải dập tắt kịp thời và không để lây lan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục