Nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến xấu hơn

Nhiều khả năng vào đầu năm 2019, Mỹ sẽ áp thuế với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến nền kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro hơn.
Nguy cơ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung diễn biến xấu hơn ảnh 1(Nguồn: Sputnik)

Cho dù cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung lần đầu tiên sau khi chiến tranh thương mại giữa hai nước bùng nổ sắp diễn ra, nhưng Mỹ vẫn không ngừng “ra đòn” nhằm vào Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, trong 3-6 tháng tới, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ diễn biến xấu hơn.

Ngày 12/11 vừa qua, tại cuộc họp của Hội đồng Thương mại Hàng hóa thuộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản đã đệ trình phương án cải cách WTO.

Phương án chỉ rõ: nếu một nước thành viên nào đó tiến hành trợ cấp phát triển ngành nghề hoặc thực hiện chế độ có thể gây ảnh hưởng tới công bằng thương mại thì phải có nghĩa vụ thông báo với WTO, nhưng quy định này vẫn chưa được tuân thủ.

Vì vậy, phương án kiến nghị trừng phạt được đưa ra là nếu nước nào vi phạm quy định này và trong 2 năm không thông báo cho WTO thì sẽ không được giữ chức vụ như chủ tịch các hội đồng thuộc WTO, còn trong trường hợp 3 năm không thông báo cho WTO thì sẽ bị tạm đình chỉ tư cách thành viên và hạn chế cơ hội phát ngôn trong các hội nghị chủ chốt.

Hãng tin Kyodo dẫn nguồn thạo tin cho biết tại cuộc họp, đại diện Nhật Bản nhấn mạnh rằng nhằm xây dựng cơ chế thương mại đa phương dựa trên các quy tắc, các nước thành viên cần nỗ lực bảo đảm tính minh bạch của thương mại.

Đây là lý do phương án này được Mỹ, EU và Nhật Bản thúc đẩy.

Hiện nay, Đài Loan đã tham gia phương án; Mỹ, EU và Nhật Bản đang nỗ lực tranh thủ sự ủng hộ của các nước và khu vực trong Đại hội đồng WTO.

Có ý kiến phân tích cho rằng phương án này được xây dựng nhằm vào Trung Quốc bởi trước đó, Chính phủ Mỹ từng yêu cầu WTO tiến hành cải cách với lý do WTO không thể xử lý được vấn đề trợ cấp của Trung Quốc.

Trên thực tế, Bộ Thương mại Mỹ từng áp thuế chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vì chúng được chính phủ Trung Quốc trợ cấp. Gần đây nhất vào ngày 8/11, Mỹ đã nâng mức thuế chống phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhôm hợp kim dạng tấm từ Trung Quốc từ 96,3% lên 176,2%.

[Thỏa thuận nào có thể ''tháo ngòi'' thương chiến Mỹ-Trung?]

Không chỉ có vậy, nguồn thạo tin của tờ Inside US Trade sau cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ còn cho biết Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đang xem xét việc điều tra về các biện pháp đối với người lao động của Trung Quốc theo Điều 301 của Luật Thương mại Mỹ năm 1974.

Điều luật này quy định các biện pháp đối với người lao động cụ thể nhằm xác định hành vi thương mại “bất hợp lý”. Một nguồn tin khác cho biết thêm rằng cuộc điều tra còn nhằm giành sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ đối với các điều khoản liên quan tới người lao động trong các hiệp định tự do thương mại mới.

Theo một cựu lãnh đạo đảng Cộng hòa, nếu Lighthizer thực hiện cuộc điều tra này, “đó là một quyết định rất tốt”, sẽ nhận được sự ủng hộ của cả hai đảng trong Quốc hội.

Trong một diễn biến liên quan tới căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, ngày 9/11, khi phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã chỉ trích giới tinh anh Phố Wall không ngừng tạo áp lực buộc Tổng thống Donald Trump đi đến thỏa thuận với Bắc Kinh.

Theo Peter Navarro, các nỗ lực của Phố Wall làm suy yếu lập trường đàm phán của Trump và hoàn toàn phản tác dụng. Nếu Phố Wall tiếp tục can dự vào đàm phán (thương mại Mỹ-Trung), bất cứ thỏa thuận nào đạt được đều "bốc mùi."

Peter Navarro nhấn mạnh nếu có thỏa thuận và khi nào đạt được thỏa thuận sẽ do Tổng thống Trump chứ không phải do Phố Wall quyết định.

Phát biểu của Peter Navarro được đưa ra trong bối cảnh Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chuẩn bị gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Argentina vào cuối tháng này để thảo luận phương thức giải quyết cuộc chiến thương mại không ngừng leo thang căng thẳng.

Theo chuyên gia về vấn đề Trung Quốc Christopher Johnson thuộc CSIS, lời chỉ trích Phố Wall của Peter Navarro cho thấy nội bộ Nhà Trắng đang có một cuộc thảo luận quyết liệt về vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Phái cứng rắn, trong đó có Peter Navarro, lo ngại Mỹ có thể đạt được một “thỏa thuận tồi” với Trung Quốc nên đã “dựng tường lửa” trước cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Tập Cận Bình.

Trong một phát biểu được tờ Economic Journal ngày 14/11 dẫn lời, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc thuộc Công ty dịch vụ tài chính JPMorgan Chase Chu Hải Bân cho rằng thị trường tồn tại những kỳ vọng nhất định vào cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp tới, nhưng kỳ vọng đó không cao.

Lý do là bởi hiện nay vẫn chưa xuất khiện khuynh hướng rõ ràng nào cho thấy hai nước sẽ đưa ra nhượng bộ tương đối lớn.

Trong 3-6 tháng tới, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể sẽ diễn biến xấu hơn. Nhiều khả năng vào đầu năm 2019, Mỹ sẽ áp thuế với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến kinh tế Trung Quốc đối mặt với nhiều rủi ro hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.