Nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế

Nếu các chính sách phát triển và ưu tiên hiện nay không được xem xét lại và cải cách từ góc độ giới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ có thể bỏ phụ nữ lại phía sau, gia tăng bất bình đẳng giới.
Nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giới trong quá trình phát triển kinh tế ảnh 1Đa số phụ nữ làm nông nghiệp có trình độ thấp và ít có cơ hội chuyển đổi công việc. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Một nghiên cứu vừa công bố đã chỉ ra nguy cơ gia tăng bất bình đẳng giới nếu Việt Nam không tăng cường cung cấp các cơ hội công việc tốt hơn cho phụ nữ và hỗ trợ giảm thiểu vai trò của phụ nữ trong các công việc chăm sóc gia đình không được trả lương.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Hướng tới Bình đẳng giới ở Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ” được tổ chức sang ngày 3/6 tại Hà Nội.

Báo cáo nghiên cứu “Hướng tới Bình đẳng giới ở Việt Nam: Để tăng trưởng bao trùm có lợi cho phụ nữ” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới (Viện Hàn lâm Khoa học xã Hội Việt Nam) thực hiệnv ới sự hỗ trợ của Chính phủ Australia và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.

Báo cáo nghiên cứu chỉ ra rằng mặc dù nhiều cơ hội công việc được mở ra cho lao động nữ trong những ngành xuất khẩu, song phụ nữ ít có cơ hội được đào tạo và thăng tiến hơn nam giới và khoảng cách giới trong thu nhập đang giãn rộng dần theo thời gian.

Báo cáo cũng cho thấy, nông nghiệp vẫn là nguồn sinh kế chính của phần lớn người dân, đặc biệt là phụ nữ ở khu vực Bắc Trung bộ và Tây Nguyên, nhưng đa số họ vẫn làm việc mà không được trả công trong các nông trại gia đình. Điều này khiến họ trở nên dễ bị tổn thương, do có rất ít cơ hội đảm bảo thu nhập và năng suất lao động. Hơn một nửa số nữ nông dân không học hết bậc giáo dục tiểu học hoặc thậm chí thấp hơn, và chỉ có một phần rất nhỏ đã được đào tạo về kỹ thuật hoặc hướng nghiệp.

Giống như ở nhiều quốc gia khác, phụ nữ Việt Nam cũng dành nhiều thời gian hơn để làm công việc nội trợ không được trả công. So với nam giới, gánh nặng công việc không được trả công đã hạn chế khả năng tiếp cận của phụ nữ đến các cơ hội kinh tế, làm tăng mức độ áp lực của họ và có tác động đến quan hệ quyền lực trong gia đình.

Từ những nghiên cứ, các chuyên gia đã đề xuất những khuyến nghị thúc đẩy việc phát triển tiềm năng của phụ nữ và giúp cho sinh kế của họ đảm bảo hơn, cho dù phụ nữ là những người nông dân làm việc ở quy mô nhỏ, lao động giúp việc gia đình được trả lương hay công nhân nhà máy may.

Sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và việc ký kết hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm 2015 là những bước tiến xa hơn của Việt Nam trong quá trình hội nhập sâu rộng với quốc tế. Sự tham gia của Việt Nam trong những hiệp định thương mại mới này sẽ mở ra hàng loạt các cơ hội tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong các ngành sản xuất, dệt may và điện tử.

Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng trong việc làm cho đến nay chủ yếu tập trung vào các công việc không đòi hỏi tay nghề. Các cơ hội về đào tạo, phát triển kỹ năng và thăng tiến trong những ngành nghề này rất hạn chế, đặc biệt đối với phụ nữ.

Bà Shoko Ishikawa, Trưởng Đại diện của UN Women Việt Nam nhấn mạnh: “Mô hình tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam chưa chú ý đến việc đảm bảo quyền của phụ nữ được hưởng lợi bình đẳng từ sự phát triển. Nếu các chính sách và ưu tiên hiện nay không được xem xét lại và cải cách từ góc độ giới, hội nhập kinh tế sâu rộng hơn sẽ có thể bỏ phụ nữ lại phía sau.”

Ông Layton Pike, Phó Đại sứ Australia cho rằng: “Chúng ta cần có cách nhìn khác rằng sự chuyển đổi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam đang ảnh hưởng tới phụ nữ so với nam giới. Vì vậy, những chính sách và hành động cần tập trung tạo điều kiện để tất cả mọi người được thụ hưởng công bằng các lợi ích từ việc phát triển kinh tế xã hội.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục