Nguy cơ thiếu điện do nhiều dự án nguồn bị chậm tiến độ

Giai đoạn 2016-2020 có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhưng bị chậm tiến độ sau năm 2020 với tổng công suất gần 7.000 MW.
Nguy cơ thiếu điện do nhiều dự án nguồn bị chậm tiến độ ảnh 1Công nhân Công ty Truyền tải Điện 4 kiểm tra, vận hành trạm biến áp 500kV Phú Mỹ. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Theo dự báo của Bộ Công Thương, giai đoạn 2021-2025, Việt Nam có thể phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt điện năng. Để đảm bảo khả năng cung ứng điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã tham mưu trình Chính phủ các giải pháp cho vấn đề này.

Nhiều dự án chậm tiến độ

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng điện sản xuất giai đoạn 2011-2019 là 10,1%/năm.

Điện thương phẩm giai đoạn 2011-2019 tăng trưởng bình quân 10,5 %/năm, công suất phụ tải lớn nhất toàn hệ thống (Pmax) năm 2019 đạt 38.249 MW.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011-2015 đạt 13%/năm; trong đó, tăng trưởng lớn nhất là nguồn nhiệt điện than, bình quân 27%/năm. Tiếp đến là thủy điện với mức tăng bình quân 15%/năm; năng lượng tái tạo cũng tăng với mức 37%/năm nhưng do công suất đặt nhỏ nên chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn (0,2% năm 2015).

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm; trong đó, giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/năm).

Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là thủy điện đã khai thác hầu hết tiềm năng kinh tế trong giai đoạn trước; nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn trong công tác xây dựng.

[Các nhà máy điện Mặt Trời đưa vào vận hành đạt kỷ lục từ trước đến nay]

Bộ Công Thương đánh giá, năng lượng tái tạo đã có sự bùng nổ về số lượng dự án và công suất đưa vào vận hành.

Cụ thể, tính tới cuối tháng 8/2020, tổng công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam đã đạt gần 6.000 MW; trong đó, có gần 5.245 MW điện mặt trời, khoảng 450 MW điện gió và 325 MW công suất điện sinh khối, gần 10 MW điện chất thải rắn và khoảng có trên 47.000 hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt với tổng công suất khoảng 1.000 MW.

Tổng công suất của điện năng lượng tái tạo đã chiếm trên 10% tổng công suất đặt của hệ thống điện.

Cũng theo báo cáo của EVN, trong giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hoàn thành các dự án nguồn điện đạt 93,7%. Tuy nhiên, cơ cấu tỷ lệ công suất đưa vào vận hành lại rất khác biệt.

Các nguồn điện truyền thống là nhiệt điện (chủ yếu là nhiệt điện than) thực hiện được khá thấp, chỉ đạt khoảng 60% so với quy hoạch.

Giai đoạn 2016-2020 có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhưng bị chậm tiến độ sau năm 2020 với tổng công suất gần 7.000 MW.

Đó là, dự án Sông Hậu 1 (PVN 1.200MW), Thái Bình 2 (PVN 1.200 MW), Long Phú 1 (PVN 1.200MW), Na Dương 2 (TKV 110MW), Cẩm Phả 3 (TKV 440MW, chưa đầu tư), Công Thanh (600MW)...

Trong khi đó, các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời) lại tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với mục tiêu quy hoạch, do tác động từ chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội, tổng công suất các nguồn điện cần đưa vào vận hành trong 15 năm 2016-2030 là 96.500MW (bình quân 6.430MW/năm).

Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho hay, các dự án nguồn điện, đặc biệt là các dự án ngoài EVN thường bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016-2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo).

Sau 4 năm thực hiện, nhiều dự án đã không được thực hiện như: các dự án Điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600MW); các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Long An, Tiền Giang. Trong khi đó, nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa Vũng Tàu, Ninh Thuận...

Nhiều dự án điện BOT bị chậm tiến độ do thời gian chuẩn bị đầu tư, đàm phán bộ hợp đồng BOT kéo dài, như Vân Phong I, Vĩnh Tân III, Nghi Sơn II, Vũng Áng II, Nam Định I…

Bộ Công Thương cho rằng, Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia là Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Việc các địa phương không tuân thủ nghiêm túc Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia sẽ làm cho hệ thống điện phát triển mất cân đối, ảnh hưởng tới độ tin cậy, ổn định và hiệu quả của ngành điện.

Bởi trong Quy hoạch điện quốc gia đã chỉ rõ danh mục các dự án được đầu tư theo từng năm, đảm bảo cân đối cung cầu điện trên từng vùng miền; ưu tiên các dự án gần tâm phụ tải để tăng cường an ninh cung cấp, giảm chi phí đầu tư lưới và giảm tổn thất truyền tải.

Đề xuất giải pháp giúp đủ điện

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung, việc cung ứng điện năm 2020 của toàn hệ thống điện quốc gia cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường xảy ra.

Nguy cơ thiếu điện do nhiều dự án nguồn bị chậm tiến độ ảnh 2Hệ thống pin nhà máy điện mặt trời trên hồ thủy điện Đa Mi. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Tuy nhiên, giai đoạn 2021-2025, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với việc cung ứng điện. Đây cũng là giai đoạn có sự thay đổi đáng kể về cơ cấu nguồn điện.

Hiện nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây.

Theo kết quả dự báo mới nhất do Viện Năng lượng tính toán cho đề án Quy hoạch điện VIII, ở kịch bản cơ sở, nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030 và năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh, năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh thì điện thương phẩm sẽ giảm 15 tỷ kWh vào năm 2025 và khoảng gần 230 tỷ kWh vào năm 2030.

Để khắc phục nguy cơ thiếu điện, Bộ Công Thương cho hay, đã tham mưu trình Chính phủ một loạt các giải pháp.

Theo đó, sẽ bổ sung các nguồn điện gió, điện mặt trời vào vận hành giai đoạn 2021-2025; đồng thời, bổ sung thêm các nguồn điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Một giải pháp nữa được Bộ tính đến là tăng cường nhập khẩu điện từ Lào, xem xét nhập khẩu thêm điện năng từ Trung Quốc; bổ sung và xây dựng lưới điện đồng bộ để giải phóng công suất các nguồn điện. Cuối cùng là đẩy mạnh các giải pháp khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

“Khi các giải pháp này được triển khai đồng bộ, Việt Nam có khả năng đảm bảo cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025,” Bộ Công Thương nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.