Nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng cận kề

Ngay khi Mỹ áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Bắc Kinh cũng lập tức tuyên bố xem xét áp đặt các mức thuế trị giá 3 tỷ USD đối với hàng hóa nhập từ Mỹ.
Nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại toàn cầu ngày càng cận kề ảnh 1Quần áo sản xuất tại Trung Quốc được bày bán tại cửa hàng ở New York, Mỹ ngày 22/3. (Nguồn: THX/TTXVN)

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 22/3 ký quyết định áp gói thuế quan trị giá tới 60 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và tuyên bố ngay lập tức của Bắc Kinh xem xét áp đặt các mức thuế trị giá 3 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ đã được coi là những hành động “ăn miếng trả miếng.”

Các biện pháp trả đũa giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới này đang báo hiệu cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Việc ông Trump thực hiện thực hóa lời đe dọa cứng rắn với Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại diễn ra cùng lúc với việc Nhà Trắng thông báo quyết định của Tổng thống Trump hoãn áp mức thuế nhập khẩu 25% đối với mặt hàng thép và 10% đối với mặt hàng nhôm nhập dành cho các đối tác thương mại chính của Mỹ, bao gồm Liên minh châu Âu (EU) cùng Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico và Hàn Quốc.

Động thái này của Mỹ rõ ràng đang "chọc tức" Trung Quốc khi mà quốc gia này đang là nhà xuất khẩu thép số 1 thế giới.

[Bộ Thương mại Trung Quốc lên kế hoạch trả đũa hàng hóa của Mỹ]

Việc chính quyền Mỹ dựng lên hai hàng rào thuế quan liên tiếp khiến Bắc Kinh phải lên tiếng phản đối, đồng thời cảnh báo sẽ "đáp trả đến cùng" nếu Washington khăng khăng muốn đối đầu.

Mặc dù khẳng định không muốn một cuộc chiến thương mại, nhưng Bắc Kinh chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ những lợi ích hợp pháp của mình.

Ngoài việc kêu gọi Mỹ kiềm chế và thận trọng, tránh đẩy quan hệ thương mại song phương vào tình thế nguy hiểm, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ kiên quyết phản đối các biện pháp bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, cho rằng các biện pháp này là "một tiền lệ rất xấu" đối với thương mại song phương nói riêng và thế giới nói chung.

Giới phân tích cho rằng chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới là điều đã được các chuyên gia dự đoán kể từ khi ông Donald Trump bước chân vào Nhà Trắng với cam kết “Nước Mỹ trước tiên” và những động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ của chính quyền Trump hiện nay chỉ là hiện thực hóa cam kết này của ông.

Tuy nhiên, chính sách này mang lại lợi ích cho Mỹ hay không thì vẫn còn phải chờ đợi vì không ít chuyên gia cho rằng chính người tiêu dùng Mỹ mới là đối tượng phải chịu hậu quả nhiều hơn từ cuộc chiến này.

Những số liệu thống kê hiện nay cho thấy Mỹ đang gặp bất lợi bởi lẽ phần lớn hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc là hàng tiêu dùng, tức là có thể dự đoán thuế tăng sẽ khiến chi phí mà người Mỹ phải chịu tăng lên.

Như vậy, không dễ dàng để các nhà bán lẻ Mỹ có thể tìm ra nguồn cung thay thế ngay lập tức. Mọi mặt hàng tiêu dùng mà Trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ hơn 5 tỷ USD mỗi năm, Trung Quốc đều chiếm hơn 1/3 tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ đối với mặt hàng đó. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là máy tính, điện thoại, hàng dệt kim, quần áo và đồ chơi trẻ em…

Ngược lại, hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chủ yếu là các sản phẩm và linh kiện trung gian. Nhiều nhất là đậu nành, máy bay, ôtô và đồ nhựa…

Nếu đánh thuế vào những mặt hàng này để trả đũa, tác động sẽ lan truyền qua một vài nhà sản xuất trước khi dân Trung Quốc có thể cảm nhận được.

Đó là chưa kể hiện Mỹ mua từ các đối tác thương mại nhiều hơn là bán ra và một cuộc chiến thương mại nếu xảy ra đồng nghĩa với việc các nước khác sẽ đánh thuế và hạn chế hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ Mỹ. Khi đó, sản phẩm Mỹ đắt hơn và giảm sức cạnh tranh tại nước ngoài.

Một trong những yếu thế khác của Mỹ nữa là các đối tác của Mỹ hiện thuộc top chủ nợ lớn của Mỹ. Với mức thâm hụt ngân sách Mỹ ngày càng lớn, Ủy ban ngân sách Mỹ ước tính số nợ có thể lên tới 1.000 tỷ USD vào năm 2019.

Giới phân tích lo ngại rằng chuyện tăng nợ có thể làm tăng lợi suất nợ chính phủ vì Bộ Tài chính sẽ phải đưa ra mức lãi suất cao hơn để đi vay thêm tiền. Điều này sẽ kéo cao chi phí vay vốn dành cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, vì nhiều khoản vay trong đó có vay thế chấp có lãi suất đi theo lợi suất trái phiếu chính phủ.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ nằm trong chiến dịch “Nước Mỹ trước tiên” của Trump không chỉ dẫn tới kết cục trả đũa thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, mà nó đang châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu không cũng dẫn tới các cuộc khẩu chiến triền miên với hậu quả là không bên nào thắng.

Bởi vậy, giới giới phân tích cho rằng một cuộc chiến thương mại toàn cầu, nếu xảy ra, sẽ tạo một cú sốc tiêu cực đối với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, có lẽ tương đương 1-3% trong vài năm tới.

Mặc dù giới đầu tư có thể nhìn nhận mức thiệt hại này vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song cũng không loại trừ tình hình này có thể trở nên xấu đi.

Các thị trường đã phản ứng ngay tức thì trước những tín hiệu xấu trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Giá vàng châu Á tăng 1% trong phiên ngày 23/3 do đồng USD và chứng khoán đồng loạt giảm giữa bối cảnh giới đầu tư vội vã tìm đến tài sản an toàn trong bối cảnh các quyết định của Mỹ đang làm dấy lên những lo ngại về cuộc chiến thương mại.

Một cuộc chiến thương mại sẽ gây phương hại cho cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc. Nhiều chuyên gia nhận định trong một thế giới tỷ giá hối đoái linh hoạt như hiện nay, thì kế hoạch áp thuế nhập khẩu mà chính quyền Mỹ vừa công bố có chiều hướng giúp cải thiện cán cân thương mại, song cũng đẩy tỷ giá thực của đồng USD tăng lên.

Điều đó có thể dẫn tới sự giảm sút về sản lượng kinh tế và việc làm tại Mỹ. Nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu 20%-25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa tính tới hành động trả đũa thì cũng đã khiến tỷ giá đồng USD tăng thêm 5% và GDP của Mỹ giảm đi 0,6% trong 5 năm tới.

Nếu dự báo này là đúng thì các biện pháp thương mại của ông Trump có thể ví như “gậy ông đập lưng ông” và gây tác động bất lợi đối với chính nền kinh tế Mỹ.

Thậm chí những tác động này có thể lớn hơn nữa, nếu nó gây ảnh hưởng tạm thời lên chuỗi cung ứng toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế, khiến lòng tin sa sút do những bất ổn liên quan đến chính sách thương mại. Đó là chưa kể tới những hành động trả đũa thương mại.

Trong bối cảnh chính sách thương mại của Tổng thống Trump đang trở thành nguy cơ lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, giới phân tích cho rằng mức độ leo thang của sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ cũng như tác động của nó sẽ phụ thuộc vào phản ứng của một số đối tác thương mại chủ chốt của Mỹ, trong đó đáng kể nhất là Trung Quốc./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.