Trong 3 ngày 5-7/10, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ở khu vực Nam Bộ xuất hiện hiện tượng sương mù dày đặc, nhất là vào buổi sáng, sau đó kéo dài trong ngày với khối lượng ít hơn.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng này được xác định ban đầu là sương mù "khô" do ô nhiễm môi trường gây nên và nguyên nhân có thể do ô nhiễm phát tán từ các vụ cháy rừng ở Indonesia.
Theo ghi nhận của phóng viên, trưa 7/10, hiện tượng sương mù vẫn xuất hiện còn khá dày ở nhiều khu vực trung tâm và ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại một số tuyến đường như Xa lộ Hà Nội, Trường Chinh, Quốc lộ 13, Mai Chí Thọ... nơi có nhiều phương tiện lưu thông, hiện tượng sương mù vẫn còn khá dày đặc.
Tại nhiều khu vực ở các quận phía Đông của thành phố như Thủ Đức, Quận 2, 9, 4, Bình Thạnh và ở khu vực trung tâm như quận 1, 2, 4, Tân Bình, Phú Nhuận... luôn bao phủ lớp sương mù, mờ mịt, kéo dài suốt cả ngày. Nhiều tòa nhà cao tầng bị bao trùm bởi sương mù, tầm nhìn xa rất hạn chế.
Chị Nguyễn Thanh Phương, ở chung cư The Vista (quận 2), cho biết mấy ngày qua không khí ở khu vực này rất ngột ngạt, lúc nào cũng âm u. Vào buổi sáng và chiều tối, sương mù xuất hiện dày đặc hơn, tầm nhìn xa cũng hạn chế, người dân không thấy được nóc các tòa nhà lân cận.
Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết hiện tượng trên không chỉ xuất hiện ở Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, Cà Mau…
Nguyên nhân của hiện tượng này có thể do ô nhiễm từ vụ cháy rừng ở Indonesia khuếch tán qua. Một số nước trong khu vực ASEAN cũng có tượng "mù khô" xảy ra.
Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện tượng "mù khô" sẽ tiếp tục kéo dài thêm vài ba ngày tới nhưng mật độ sẽ giảm dần, nhất là khi xuất hiện các cơn mưa lớn, khói bụi sẽ chìm xuống. Vì vậy, khi ra đường người dân nên đeo khẩu trang, kính mắt hoặc các thiết bị bảo hộ để bảo vệ sức khỏe của mình, hạn chế hít phải khói bụi ô nhiễm./.