Nhà điều hành sân bay lớn nhất Ấn Độ dự kiến đầu tư gần 5 tỷ USD vào Việt Nam

Tập đoàn Adani dự kiến đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD đồng thời có kế hoạch rót 2,8 tỷ USD vào dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận).

Adani Group là nhà điều hành sân bay và kiểm soát cảng lớn nhất Ấn Độ cùng các lĩnh vực truyền tải điện, năng lượng xanh. (Ảnh: MPI/Vietnam+)
Adani Group là nhà điều hành sân bay và kiểm soát cảng lớn nhất Ấn Độ cùng các lĩnh vực truyền tải điện, năng lượng xanh. (Ảnh: MPI/Vietnam+)

Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Ấn Độ (từ ngày 30/7 đến 1/8), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Adani (Nhà điều hành sân bay và kiểm soát lớn nhất Ấn Độ).

Trước đó, Chủ tịch Tập đoàn Adani cho biết đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) với tổng vốn dự kiến 2 tỷ USD. Cảng biển này được kỳ vọng hoàn thiện hệ sinh thái logistics cho Đà Nẵng, khu vực miền Trung. Bên cạnh đó, Adani cũng tính rót 2,8 tỷ USD vào dự án nhiệt điện Vĩnh Tân 3 (Bình Thuận).

Ngoài ra, tập đoàn này còn muốn tham gia xây sân bay Long Thành giai đoạn 2 (Đồng Nai) và sân bay Chu Lai (Quảng Nam).

Ông Gautam Adani, Chủ tịch tập đoàn Adani chia sẻ và mong Chính phủ Việt Nam thúc đẩy để tập đoàn thực hiện tốt cam kết này.

"Với khả năng về tài chính, kỹ thuật, chúng tôi sẽ tham gia sâu thêm vào nhiều dự án tại tại Việt Nam," ông Gautam Adani nói.

Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng các cơ quan, địa phương liên quan trao đổi trực tiếp với tập đoàn Adani ngay sau cuộc gặp này để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan, thống nhất cách làm, triển khai các thủ tục theo quy định.

Lắng nghe các thắc mắc và vấn đề đặt ra với Adani trong quá trình thúc đẩy các dự án tại Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bên thực hiện ngay một số nội dung để có thể sớm triển khai đầu tư dự án theo đúng quy định pháp luật Việt Nam.

Với dự án cảng Liên Chiểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết phía Việt Nam chủ trương chọn một nhà đầu tư hạ tầng tổng thể. Về việc khai thác cảng biển này, doanh nghiệp nước ngoài có thể hợp tác với đơn vị trong nước theo quy định pháp luật. Do đó, phía Adani và liên danh Anh Phát cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra, đại diện Tập đoàn Adani cho biết sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan chức năng của Việt Nam để sớm triển khai dự án theo quy định.

Ông Gautam Adani, 61 tuổi, từng là người giàu nhất châu Á và thứ ba thế giới với khối tài sản hơn 150 tỷ USD vào tháng 9/2022. Theo bảng xếp hạng mới nhất của Forbes, ông hiện giàu thứ hai châu Á với tài sản 87,6 tỷ USD, xếp sau người đồng hương Mukesh Ambani.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.