“Trước đây, thật khó để hình dung có một ngày, Nhà hát Lớn Hà Nội đang ‘nổi bật’ với màu vàng chóe, rực rỡ như hiện nay. Vẻ cổ kính quen thuộc không còn, thay vào đó là cảm giác… xa lạ!”
Bác Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1953, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) không giấu được sự bất ngờ và cả vẻ thất vọng khi đi ngang qua phố Tràng Tiền, nhìn cảnh Nhà hát Lớn mang “màu áo” mới khi được sơn lại.
Thay cho màu vàng nhạt trước đây, Nhà hát Lớn - nơi được coi là “thánh đường” nghệ thuật Việt Nam với lịch sử hơn 100 năm tuổi đang được sơn lại màu vàng đậm phía bên ngoài.
Trước thực tế này, không ít kiến trúc sư, chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã bày tỏ mối quan ngại về nguy cơ biến dạng di tích này.
Một chuyên gia thuộc Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, việc tu sửa các di tích để bảo vệ các công trình trước sự bào mòn của thời gian là điều nên làm. Tuy nhiên, việc làm này phải tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc của việc bảo tồn di sản văn hóa.
Cụ thể, vị chuyên gia này cho rằng, màu sơn mới hiện nay của Nhà hát Lớn không đảm bảo về mặt thẩm mỹ: “Màu vàng đó quá đậm và khác xa với màu sơn được sử dụng trong lần trùng tu công trình này với quy mô lớn trong thời gian 1994-1997. Nó làm thay đổi lại diện mạo của công trình, thay đổi màu sắc cảnh quan đô thị tổng thể xung quanh. Vẻ đẹp của Nhà hát Lớn nằm ở sự sang trọng, tinh tế và hài hòa chứ không phải ở màu sắc rực rỡ, chói lòa như bây giờ.”
Có cùng quan điểm trên, giáo sư-kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia bày tỏ: “Màu sơn mới này quá đậm và thực sự không phù hợp với tổng thể của công trình. Nói khác đi, nó làm hỏng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian kiến trúc của công trình.”
Phân tích cụ thể hơn, vị giáo sư này cho rằng, Nhà hát Lớn Hà Nội được xây dựng theo kiến trúc Pháp, do các kiến trúc sư người Pháp trực tiếp thiết kế. Hơn nữa, công trình này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lích sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Bởi vậy, việc tu sửa phải đảm bảo tính nguyên vẹn về mặt kiến trúc, mỹ thuật cũng như giá trị văn hóa, lịch sử của công trình.
“Màu sơn cũng là một trong những yếu tố quan trọng của tổng thể này. Việc lựa chọn màu sơn, pha chế tỷ lệ phải được tính toán một cách kỹ lưỡng; không thể làm một cách tùy ý,” kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính nhấn mạnh.
Cụ thể, màu sắc dùng để sơn Nhà hát Lớn phải là màu đặc trưng của các công trình kiến trúc Pháp cổ và phải hài hòa với cảnh quan quảng trường xung quanh. Theo vị chuyên gia này, đó phải là màu vàng nhạt như trước đây.
Ông Hoàng Đạo Kính cho biết, mặt trước của các công trình được xây theo lối kiến trúc Pháp xưa thường được trang trí bằng đá sa thạch màu vàng nhạt. Tuy nhiên, do nguồn vật liệu này ngày càng khan hiếm nên những công trình xây dựng sau đó được quét sơn màu vàng nhạt thay thế.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - quyền Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, việc sơn lại lần này nằm trong kế hoạch duy tu thường xuyên của nhà hát (sơn lại trên nền cũ), không phải dự án tu bổ, sửa chữa quy mô lớn; bắt đầu từ khoảng tháng Bảy và dự kiến kéo dài hơn 1 tháng.
Màu vàng như mọi người thấy hiện nay mới là nước sơn ban đầu. Đó chưa phải là màu sơn cuối cùng bởi quá trình triển khai kế hoạch duy tu thường xuyên chưa kết thúc./.