Chưa từng học qua lớp đào tạo về chế tạo cơ khí nhưng qua quá trình lao động sản xuất, ông Nguyễn Văn Hoàn ở thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) đã mày mò chế tạo, cải tiến hàng chục loại máy móc cho phù hợp với điều kiện canh tác nông nghiệp tại địa phương, giúp giải phóng sức lao động, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ông Hoàn được người dân địa phương gọi là “nhà sáng chế” của nông dân.
Năm 2010, ông Nguyễn Văn Hoàn được nhiều người biết đến về khả năng cải tiến, chế tạo máy móc khi chế tạo thành công chiếc máy hút sâu chè.
Từ khi chiếc máy hút sâu chè được chế tạo thành công, việc sản xuất chè sạch của gia đình ông Hoàn và bà con trồng chè tại xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn so với trước.
Chia sẻ về chiếc máy đầu tiên được chế tạo thành công, ông Hoàn cho biết, thời điểm năm 2010, gia đình ông và bà con trong xã chuyển đổi sản xuất chè đại trà sang sản xuất chè sạch, đặc sản.
Để sản xuất ra những sản phẩm sạch, người nông dân tuyệt đối không được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, toàn bộ công việc phải làm thủ công, trong đó, việc bắt sâu hại trên cây chè bằng tay là công việc tốn nhiều thời gian, công sức nhất nhưng hiệu quả không cao.
Trước thực tế trên, ông Hoàn có suy nghĩ chế tạo được một chiếc máy bắt sâu chè để giảm bớt công sức, thời gian cho bà con.
Trải qua nhiều lần thất bại, cuối cùng, ông Hoàn đã chế tạo thành công chiếc máy hút sâu.
Chiếc máy này không chỉ hút được các loại sâu hại như rầy xanh, bọ xít muỗi, sâu ăn lá... trên cây chè mà còn có thể áp dụng trong canh tác rau sạch.
Thấy được hiệu quả của chiếc máy hút sâu do ông Hoàn chế tạo, nhiều người trong tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh bạn đã tìm đến đặt mua.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn (tỉnh Tuyên Quang) cho biết chiếc máy hút sâu có thể hút được những con bọ cánh tơ, rầy xanh, bọ xít muỗi nhỏ li ti rất khó nhận ra, nếu bắt bằng tay sẽ tốn nhiều thời gian và không thể hết được.
Sau vài lần sử dụng máy hút sâu chè của ông Hoàn trên vườn chè của gia đình, tôi nhận thấy lượng sâu hại đã giảm đi rõ rệt, cây chè phát triển tốt, hiệu quả kinh tế được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu trong sản xuất sạch.
Ngoài chế tạo thành công máy hút sâu, ông Hoàn còn chế tạo, cải tiến nhiều loại máy móc nông nghiệp khác để phục vụ sản xuất của gia đình như máy bón phân tra hạt, máy nhổ sắn, máy làm cỏ, máy khoan lỗ trồng cây, máy cấy lúa… trong đó đáng chú ý nhất là cải tiến thành công chiếc máy cắt chè.
Năm 2012, ông Hoàn đầu tư hơn 30 triệu đồng mua chiếc máy cắt chè của Nhật Bản để sử dụng nhưng phải bỏ không vì không phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.
Không đành lòng để chiếc máy bị bỏ không, ông Hoàn lại bỏ công sức nghiên cứu, cải tiến lại chiếc máy cho phù hợp.
[Nhà sáng chế miệt vườn và cây kéo cắt tỉa cành cây đa năng]
Sau một thời gian mày mò, ông Hoàn cải tiến thành công chiếc máy hái chè cho hiệu suất cao hơn trước.
Ông Hoàn cho biết với cách hái thủ công bằng tay, một người hái chè có kinh nghiệm cũng chỉ hái được khoảng 50kg chè tươi/ngày, chiếc máy hái chè do ông cải tiến có thể thu hái được hơn 3 tấn chè tươi/ngày.
Chiếc máy hái chè cải tiến không chỉ phục vụ người trồng chè ở Tuyên Quang mà đã có mặt ở nhiều nơi như Thái Nguyên, Yên Bái, Mộc Châu (Sơn La)…
Ông Hoàn tâm sự máy móc sản xuất ra để phục vụ và thay thế sức lao động con người. Ông chế tạo và cải tiến những chiếc máy không phải vì giải thưởng mà muốn giảm bớt sự vất vả cho người nông dân.
Với những sáng chế máy móc có tính ứng dụng thực tế cao, dễ sử dụng và mang lại nhiều lợi ích trong nông nghiệp, “ nhà sáng chế chân đất” Nguyễn Văn Hoàn đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của tỉnh Tuyên Quang cũng như của Trung ương.
Máy hút sâu chè của ông được Hội Nông dân Việt Nam trao giải Nhì trong Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ III năm 2008-2009./.