Nhà Trắng lạc quan về triển vọng đạt được gói kích thích kinh tế mới

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất với số ca tử vong đã lên tới khoảng 190.000 ca, trong khi khủng hoảng kinh tế đã "thổi bay" hàng chục triệu việc làm.
Nhà Trắng lạc quan về triển vọng đạt được gói kích thích kinh tế mới ảnh 1Hàng hóa được bày bán trong cửa hàng tại Chicago, Illinois, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/9, Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã bày tỏ lạc quan về triển vọng hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ đạt được một thỏa thuận về gói cứu trợ khẩn cấp mới nhằm kích thích nền kinh tế trước ngày bầu cử tổng thống 3/11 tới.

Trao đổi Fox Business, ông Meadows chia sẻ: "Có lẽ hôm nay tôi cảm thấy lạc quan hơn nhiều so với bấy lâu nay... Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta đặt vấn đề chính trị sang một bên và thông qua gói kích thích kinh tế này."

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng Tổng thống Donald Trump vẫn phản đối việc cứu trợ quy mô lớn dành cho chính quyền các bang và địa phương, điều mà Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đang thúc đẩy nhằm hỗ trợ các địa phương này sớm phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch COVID-19 nặng nề nhất với số ca tử vong đã lên tới khoảng 190.000 ca, trong khi khủng hoảng kinh tế đã "thổi bay" hàng chục triệu việc làm.

Sau khi các điều khoản chính trong gói chi tiêu 2.200 tỷ USD theo Đạo luật Cứu trợ, hỗ trợ và an ninh kinh tế (CARES) nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh hết hạn vào tháng Bảy, bao gồm việc mở rộng các trợ cấp thất nghiệp, các nhà kinh tế và quan chức tại Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho biết sẽ cần thêm viện trợ của chính phủ để giúp các gia đình Mỹ vượt qua "bão" COVID-19.

[Mỹ: Tỷ lệ thất nghiệp lần đầu giảm xuống dưới 10% kể từ tháng 3]

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tuần giữa lãnh đạo đảng Dân chủ và Nhà Trắng đã rơi vào bế tắc từ tháng 8 vừa qua, khi hai bên liên tục đổ lỗi cho nhau việc không đạt được thỏa thuận.

Phe Dân chủ khẳng định viện trợ cho các chính quyền tiểu bang và địa phương là để ngăn chặn làn sóng sa thải nhân viên quy mô lớn, trong khi Chánh Văn phòng Nhà Trắng Meadows gọi đây là "hòn đá tảng" chính cản trở việc đạt được một thỏa thuận. Thay vào đó, chính quyền đặt mục tiêu cung cấp viện trợ cho những người thực sự cần nhất.

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng Tám đã giảm xuống còn 8,4%, song các dữ liệu và khảo sát của Fed cho thấy việc khôi phục số việc làm đã mất và sự phục hồi chung đang chậm lại trong khi dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan.

Tuy nhiên, sau khi số liệu việc làm được công bố, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói với báo chí rằng nền kinh tế Mỹ hoàn toàn có thể chấp nhận tình thế không đạt thỏa thuận nào về gói kích thích mới.

Từ đầu năm tới nay, nền kinh tế Mỹ phải chịu tác động nặng nề khi chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh và số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng cao. Trong quý 1, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tính theo năm giảm 5% và nền kinh tế chính thức rơi vào suy thoái.

Bước sang quý 2, dịch bệnh lan rộng và các biện pháp giãn cách xã hội khiến tình hình nền kinh tế đầu tàu thế giới càng chịu ảnh hưởng nặng nề khi GDP lao dốc tới 32,9%.

Đại diện quỹ phòng ngừa rủi ro lớn nhất thế giới Bridgewater Associates nhận định nền kinh tế Mỹ cần thêm gói kích thích mới với quy mô 1.300-1.700 tỷ USD để duy trì đà phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.