Nhà xuất bản Giáo dục: Chiết khấu sách giáo khoa ở mức thấp

Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Văn Tùng cho rằng sách giáo khoa hiện nay là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản.
Nhà xuất bản Giáo dục: Chiết khấu sách giáo khoa ở mức thấp ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trước những vấn đề liên quan đến sách giáo khoa đang được dư luận quan tâm như chiết khấu phát hành 25%, sách chỉ dùng được một lần, giá sách theo chương trình VNEN quá cao, Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có chia sẻ một số thông tin với báo chí.

"Chiết khấu 18-20% là rất khó khăn"

- Thưa ông, gần đây dư luận cho rằng, việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chiết khấu 25% cho việc phát hành sách giáo khoa là một tỷ lệ cao. Quan điểm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về vấn đề này như thế này?


Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng:
Sách giáo khoa cũng như mọi hàng hóa khác, để tới được tay học sinh trải qua một quá trình lưu thông trên thị trường. Chiết khấu ở đây được hiểu là phần phí phát hành mà các cấp đại lý trong kênh phân phối dùng để chi trả cho các chi phí trong toàn bộ quá trình bán hàng.

Cụ thể, trước năm 2008 mức chiết khấu sách giáo khoa là từ 21% đến 34%, giai đoạn 2008-2010 giảm xuống còn 20% đến 27%. Từ năm 2010 đến nay, mức chiết khấu là 18% với đối tác phát hành và 20% với đối tác chiến lược.

Phần phí này ngoài việc các đối tác dùng để chiết khấu lại cho các đại lý cấp dưới thì còn chi trả cho việc thực hiện các công tác tiếp thị, khuyến mại giảm giá, kho bãi, bao bì, vận chuyển, bù hao, bảo hiểm hàng hóa; chi phí nhân công, chi phí vốn, chi phí quản lí, tồn kho... thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước và đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp.

Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, phần phí phát hành này được dùng để chi trả cho chi phí mặt bằng (thuê địa điểm), chi phí vận hành (điện, nước), khấu hao, bao bì, chi phí nhân công (tiền lương bảo hiểm), chi phí vốn, thực hiện các nghĩa vụ thuế và lợi nhuận còn lại.


[NXB Giáo dục bác tin SGK được thay mới hàng năm gây lãng phí]

Mức chiết khấu (18-20%) đối với sách giáo khoa hiện nay là ở mức rất thấp so với mặt bằng chiết khấu đối với mặt hàng sách nói chung của các nhà xuất bản (từ 35% đến 40%). Hơn nữa, giá sách giáo khoa hiện ở mức thấp, chỉ bằng 30 đến 40% đối với giá của các loại sách khác (có cùng số trang) nên giá trị thu được sau khi phát hành sách giáo khoa càng nhỏ. Vì thế, các đối tác phát hành không mặn mà với việc phát hành sách giáo khoa do phần hoa hồng thu được không đảm bảo bù đắp đủ các chi phí lưu thông, bán hàng.

Mức phí này là nỗ lực của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các công ty đối tác phát hành sách giáo khoa trong việc phục vụ ngành giáo dục. Chiết khấu 18-20% là một khó khăn rất lớn đối với các Công ty Sách-Thiết bị trường học, đặc biệt đối với các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo. Các đối tác phát hành, các Câu lạc bộ Công ty Sách-Thiết bị trường học ở các miền đã nhiều lần kiến nghị hoặc gửi văn bản đề nghị tăng phí phát hành hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển.

Nhà xuất bản Giáo dục: Chiết khấu sách giáo khoa ở mức thấp ảnh 2Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết chịu lỗ 40 tỷ mỗi năm vì sách giáo khoa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sẽ nâng tỷ lệ sách tái sử dụng

- Giá sách giáo khoa được tính thế nào, thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng: Toàn bộ các chi phí in ấn và phát hành sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải tự hạch toán, tự cân đối, hoàn toàn không có trợ giá hoặc hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải vay vốn ngân hàng để phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh này. Bên cạnh đó Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp nên phải đảm bảo nghĩa vụ với Nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn.

Giá sách giáo khoa do Bộ Tài chính quản ly, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không thể tự ý điều chỉnh giá. Từ 2011 đến nay, giá sách giá khoa không thay đổi, trong khi đó giá giấy, công in, vật tư, xăng dầu, điện nước... liên tục tăng.

Vì lý do đó, nhiều năm nay, để cung cấp đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa cho học sinh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải bù lỗ mỗi năm trên dưới 40 tỷ đồng. Số liệu này đã được các cơ quan kiểm toán và Bộ Tài chính xác nhận.


["Tiết kiệm trong giáo dục là khái niệm mà tôi chưa nghe thấy"]

Xin được nói rõ là chúng tôi phải bù lỗ 40 tỷ trong việc in và phát hành sách giáo khoa, còn trong các lĩnh vực khác Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam luôn tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Có như vậy mới có kinh phí bù đắp cho in ấn phát hành sách giáo khoa cũng như hoàn thành nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với Nhà nước.

- Nhưng giá sách của chương trình VNEN lại được đánh giá là đắt, thưa ông?

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng: Thực tế không phải như vậy. Sách VNEN có khổ sách lớn hơn (19x27cm) so với sách giáo khoa hiện hành (17x24 cm). Ngoài nội dung kiến thức như sách giáo khoa hiện hành, sách VNEN có thêm nội dung hướng dẫn cách học cho học sinh và cách tổ chức học cho giáo viên, có thêm các bài tập. Như thế sách VNEN không có sách giáo viên và sách bài tập nên sách VNEN tăng số trang so với sách giáo khoa hiện hành.

Ngoài ra, sách VNEN được in 4 màu với chủng loại giấy có chất lượng cao.

Đó là những lý do khiến sách VNEN có giá bìa cao hơn trung bình 1,6 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Giống như sách giáo khoa hiện hành, giá sách VNEN cũng được quản lý bởi Bộ Tài chính.

- Nhiều ý kiến cho rằng việc sách giáo khoa chỉ dùng được một lần là lãng phí. Là đơn vị xuất bản, ông nghĩ sao về điều này?


Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Văn Tùng:
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn hướng dẫn học sinh không viết vào sách. Trong sách giáo khoa hoặc sách giáo viên cũng đã có những cảnh báo, nhắc nhở học sinh trong các bài học. Bên cạnh đó điều quan trọng là cần có sự phối hợp của giáo viên trong quá trình hướng dẫn học sinh sử dụng sách, mặt khác còn phụ thuộc vào ý thức sử dụng sách giáo khoa của học sinh.

Trong nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã phát động và duy trì phong trào sử dụng lại sách giáo khoa cũ. Thực tế mỗi năm có gần 35% lượng sách giáo khoa cũ được học sinh sử dụng lại.

Ví dụ năm 2018, cả nước có gần 17 triệu học sinh. Theo danh mục sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt từ lớp 1 đến lớp 12, trung bình mỗi học sinh cần 10,5 bản sách. Nếu tất cả các học sinh đều sử dụng sách giáo khoa mới, số lượng sách giáo khoa cần in là khoảng 170 triệu bản. Trong khi đó, năm 2018 số lượng sách giáo khoa được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành là 110 triệu bản, chỉ đáp ứng nhu cầu của gần 65% học sinh, số còn lại là các em sử dụng sách giáo khoa cũ, sách giáo khoa mượn từ thư viện, tủ sách dùng chung...

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sắp tới Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tham mưu đề xuất với Bộ trong việc làm sao để học sinh giữ gìn sách giáo khoa tốt hơn, tỷ lệ sách giáo khoa được sử dụng lại lớn hơn.

- Xin cảm ơn ông!./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục