Tháng 6/1889, với sự cô đơn đến cùng cực, danh họa Vincent Van Gogh đã vẩy những nét cọ thiên tài vẽ nên kiệt tác ''The starry night'' (Đêm đầy sao). 80 năm sau, trong nỗi buồn vô hạn, nhạc sỹ Don McLean đã tìm được lối thoát cho mình khi chiêm ngưỡng bức họa này, và cho ra đời nhạc phẩm bất hủ ''Vincent.''
Nỗi buồn như ngọn đuốc bừng sáng
Mùa Đông năm 1970, danh tiếng vẫn chơi trò trốn tìm với Don McLean, chàng ca sỹ 25 tuổi có tài nhưng không gặp may. Album đầu tay ''Tapestry'' được McLean dồn rất nhiều tâm sức, nhưng suốt 72 lần gõ cửa các hãng đĩa lớn, ''Tapestry'' đều bị từ chối thẳng thừng. Đến lần thứ 73 thì Mediarts, một hãng đĩa vừa khởi nghiệp, đồng ý sản xuất cho McLean. Nhưng ''Tapestry'' đã thất bại thảm hại ngay khi ra mắt, dù trớ trêu thay, một vài ca khúc trong album này lại trở thành bản hit nổi tiếng sau này.
Năm 1970 đánh dấu tròn một thập niên Don McLean loay hoay tìm lối đi kể từ ngày bố cậu, ông Donald McLean, qua đời. ''Đêm bố tôi qua đời, bầu trời đầy sao. Đó là thời điểm tôi quyết định không nối nghiệp cha, mà chọn con đường ca hát. Đó là thế giới của tôi, là Mặt Trời của tôi,'' Don McLean nhớ lại.
Nhưng Mặt Trời ấy lại không mang đến ánh sáng như cậu kỳ vọng. Don McLean như một gã cô độc bất cần đi ngược lại thị hiếu. Người ta ví von, Mặt Trời của McLean mọc ở đằng Tây. Giống như bức họa ''The starry night'' của Vincent Van Gogh, vẽ chòm Đại Hùng mọc ở hướng Nam thay vì hướng Bắc. Bức họa đã không được thừa nhận cho đến khi ông qua đời.
["Loving Vincent" - bộ phim độc đáo về cuộc đời danh họa Van Gogh]
Sau những thất bại về sự nghiệp, những bế tắc về kinh tế, cùng một cuộc hôn nhân không êm ả, McLean chấp nhận một cuộc sống mòn mỏi, làm giảng viên âm nhạc cho trường tiểu học, như để quên đi giấc mơ sân khấu lớn và những album triệu bản.
Đúng thời điểm ấy, tháng 11/1970, Don McLean tìm thấy Vincent Van Gogh. Cuốn sách về danh họa hiện ra trước mặt McLean vào một buổi sáng đẹp trời.
Cuộc đời u uất của Van Gogh qua những trang viết của Theo, em trai danh họa, đã thức tỉnh điều gì đó trong Don McLean. Những cơn đau giằng xé tâm hồn, những mối tình bị từ chối, những người đàn bà đã gặp, những cơn điên dày vò, những nhát cọ cứa vào trời đêm…, từng mảng tối trong cuộc đời của Van Gogh đập mạnh vào tâm trí McLean. Cho đến khi cậu nhìn thấy bức họa ''The starry night,'' mọi cảm xúc dồn nén bấy lâu bị xới tung. Nỗi buồn bừng lên như đuốc sáng, McLean cầm ngay cây đàn và sáng tác. Tuyệt phẩm ''Vincent'' ra đời nhanh chóng với những khuông nhạc viết vội trên một tấm bìa cũ.
Mây cuộn tròn trong sương mù tím biếc
Don McLean ''dệt'' lại kiệt tác ''The starry night'' của Van Gogh bằng giọng hát và một cây ghita mộc, thấp thoáng đâu đó tiếng vĩ cầm kéo nhẹ, như làn gió cuộn tròn mây trong sương mù tím biếc. Dựa trên những gam màu của Van Gogh, sự chuyển động tương phản trong từng nét cọ, giai điệu ''sột soạt'' của ''Vincent'' là những gì McLean hình dung về Van Gogh, rằng ông đang tự giam mình trong một căn phòng nào đó và miết vào vải bố những vết cứa ngồn ngộn tâm tư. McLean đã hát: ''Mây cuộn theo mảng tối cọ rung/Trăm năm nghe tình trong nét màu.''
Sự cô độc của Van Gogh, sau gần một thế kỷ, đã tìm thấy người đồng cảm. Kiệt tác ''The starry night'' của Van Gogh đã cứu Don McLean thoát khỏi con đường u tối. Năm 1971, ca khúc ''Vincent'' được đưa vào album thứ hai (''American Pie''). Từ đây, cuộc đời của Don McLean bước sang một trang mới, ông không gặp phải kết cục bi thảm như Van Gogh. Tài năng của McLean được thế giới thừa nhận khi ông vẫn… còn sống. Don McLean trở thành ca sỹ, nhạc sỹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến tận bây giờ.
Sau này, McLean cũng sáng tác thêm một vài tuyệt phẩm nữa về danh họa Van Gogh nhưng không có ca khúc nào vượt qua được sự thành công của ''Vincent,'' bởi cùng với nó, cuộc đời của hai người nghệ sỹ đã gắn chặt với nhau trong một đêm vĩnh cửu, không bao giờ lặp lại./.