“Dù đang phải đối mặt với bạo bệnh nhưng chưa khi nào nhạc sỹ Phó Đức Phương đánh mất niềm tin vào thành công của một cuộc lội ngược dòng.
Ông bảo đợt điều trị này cũng chỉ là một trong số thử thách mà cuộc sống vẫn luôn đặt ra. Nhạc sỹ tin mình sẽ vượt qua để tiếp tục hành trình âm nhạc với những mối duyên nợ riêng,” ca sỹ Mỹ Linh chia sẻ.
Năng lượng tích cực
Thời gian gần đây, thông tin tác giả của ca khúc nổi tiếng “Trên đỉnh Phù Vân” phải nhập viện khiến không ít bạn bè, người hâm mộ lo lắng.
“Tuy vậy, ông vẫn luôn lạc quan, tiếp chúng tôi bằng nụ cười hiền và sự say mê khi nói về âm nhạc, những ý tưởng sáng tạo và dự định tương lai. Trong cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ trên giường bệnh, thay vì than vãn, ông truyền đi nguồn năng lượng tích cực. Nhạc sỹ không nói về những nỗi đau, câu chuyện đã qua mà chỉ đề cập tới những dự định tương lai, niềm tin vượt qua bệnh tật,” ca sỹ Mỹ Linh chia sẻ.
[Tùng Dương với bộ tứ sông Hồng -Thần điêu hiệp lữ của thiên hạ ngũ tuyệt]
Nhạc sỹ Phó Đức Phương là một trong những nghệ sỹ có ảnh hưởng lớn, góp phần quan trọng làm nên sự đa sắc của âm nhạc đương đại. Ông cùng với các nhạc sỹ (Nguyễn Cường, Dương Thụ, Trần Tiến) đã hình thành “Bộ tứ sông Hồng” với những dấu ấn, chất “quái” riêng: “Phương gàn,” “Tiến bụi,” “Thụ giáo sư” và “Cường nồng nhiệt.”
Họ đã tạo nên làn sóng nhạc nhẹ ấn tượng trong thập niên 1980s, 1990s, tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ cho thế hệ nghệ sỹ sau này. Mỗi nhạc sỹ nhìn, cảm và viết về thời cuộc, số phận dân tộc, thân phận con người theo cách riêng.
Nhắc đến nhạc sỹ Phó Đức Phương, giới mộ điệu sẽ không thể quên “Trên đỉnh Phù Vân,” “Chảy đi sông ơi,” “Hồ trên núi,” “Một thoáng Tây Hồ,” “Huyền thoại hồ Núi Cốc,” “Những cô gái quan họ” hay “Không thể và có thể”… Đó là những giai điệu thấm đẫm hồn quê.
Nếu như âm nhạc của Nguyễn Cường luôn nồng nhiệt, căng tràn sức sống của đại ngàn Tây Nguyên, sáng tác của Trần Tiến đậm chất lãng tử, du ca, nhạc phẩm của Dương Thụ thể hiện sự thâm trầm nhưng vô cùng tinh tế thì những ca khúc của Phó Đức Phương chất chứa những nỗi niềm thăm thẳm, đậm hơi thở, chất liệu dân gian (chủ yếu của vùng đồng bằng Bắc Bộ).
Nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha cho rằng âm nhạc của Phó Đức Phương truyền tải được những nét hoa mỹ của văn hóa truyền thống. Giai điệu và ca từ đều phảng phất vẻ ma mị, bảng lảng sương khói.
Nối dài hành trình sáng tạo
Theo nhà văn Trần Thị Trường, người từng có thời gian làm việc cùng nhạc sỹ Phó Đức Phương ở Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, ông có biệt danh “Phương gàn” còn bởi ông đã hy sinh thời gian sáng tác để “lao vào” lĩnh vực đầy khó khăn, thách thức-bảo vệ bản quyền âm nhạc.
Trong gần hai thập kỷ, Phó Đức Phương đã là một“chiến binh đầu bạc” mạnh mẽ, một "Đông ky sốt" đối mặt với không ít ồn ào, thị phi, “sóng gió, bão táp” từ dư luận cho một mục tiêu lớn lao: bảo vệ tác quyền âm nhạc.
“Cách đây khoảng hai thập kỷ, khái niệm bản quyền âm nhạc còn khá mơ hồ ở Việt Nam. Thế nhưng, nhạc sỹ Phó Đức Phương vẫn quyết định ‘dấn thân.’ Ông đã tự học ngoại ngữ, nghiên cứu về luật… để góp phần bảo vệ quyền lợi cho các nhạc sỹ. Ông là con người của công việc và chưa bao giờ lùi bước bởi ông tin rằng mình làm việc đúng đắn,” nữ nhà văn chia sẻ.
Mặc dù đã có một sự nghiệp âm nhạc bề thế với những dấu ấn đậm nét nhưng vị nhạc sỹ tài hoa vẫn tràn đầy ý tưởng, nhiệt huyết sáng tạo. Ca sỹ Mỹ Linh kể, nhạc sỹ Phó Đức Phương đang ấp ủ kế hoạch hoàn thành vệt sáng tác về các nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc.
Trên hành trình sáng tác, ông từng viết về Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo; nhiều tác phẩm của ông cũng được gợi mở từ niềm tự hào về những chiến công hiển hách của cha ông trong lịch sử (chiến thắng Bạch Đằng…), tiêu biểu trong số đó có thể kể đến “Bài ca thần chim lạc,” “Lời thề sông Hóa”...
“Nhạc sỹ chia sẻ, thời gian tới, khi sức khỏe ổn định hơn, ông sẽ tiếp tục mạch sáng tác ấy với những ca khúc về những nhân vật hiển hách khác như vua Quang Trung,” nữ ca sỹ kể.
Để cổ vũ tinh thần nhạc sỹ Phó Đức Phương trong cuộc “chiến đấu” với căn bệnh ung thư, gia đình, đồng nghiệp và bạn bè thân thiết của ông cùng tổ chức đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly.” Chương trình sẽ diễn ra vào tối 10/7 tại Hà Nội.
Những nhạc phẩm quen thuộc của nhạc sỹ sẽ một lần nữa vang lên ở “thánh đường nghệ thuật”-Nhà hát Lớn Hà Nội qua phần thể hiện của các giọng ca gắn bó với âm nhạc Phó Đức Phương như Tùng Dương, Thanh Lam, Mỹ Linh, Minh Thu… Bên cạnh đó, “Khúc hát phiêu ly” còn có sự tham gia của nghệ sỹ chèo Thu Huyền và nhiều ca sỹ trẻ như Phương Anh, nhóm OPlus, nhóm M4U…
Ngoài ra, hai người bạn thân thiết của ông (nhạc sỹ Nguyễn Cường và nhạc sỹ Nguyễn Vĩnh Tiến) sẽ đảm nhiệm vai trò người dẫn chuyện./.