Mặc dù carbon dioxide (CO2) lâu nay được biết đến là loại khí gây hiệu ứng nhà kính đáng quan ngại, nhưng một số loại khí khác gồm methane (CH4) và nitrous oxide (N2O) cũng là những yếu tố làm tăng nhiệt độ Trái Đất và biến đổi khí hậu.
Vì vậy, những nỗ lực nhằm giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu đã mở rộng sang việc tập trung vào những tác nhân đứng sau CO2.
Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc, CO2 là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ toàn cầu gia tăng, đóng góp hơn 66% vào tình trạng nóng lên toàn cầu. Tiếp theo là khí methane.
Khoảng 40% khí methane có nguồn gốc từ các nguồn tự nhiên, đặc biệt là vùng đất ngập nước, nhưng khoảng 60% có liên quan đến các hoạt động của con người như chăn nuôi động vật nhai lại và trồng lúa trong sản xuất nông nghiệp, nhiên liệu hóa thạch và chất thải.
Khí methane tồn tại trong khí quyển ngắn hơn nhưng có tác động làm nóng lên mạnh hơn nhiều so với CO2. Nếu tính trong 20 năm, tác động làm Trái Đất nóng lên của methane cao gấp 80 lần so với CO2.
Điều này khiến methane tiếp tục là tâm điểm của các cuộc thảo luận nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu trong ngắn hạn.
Theo nhà nghiên cứu Mathijs Harmsen thuộc Cơ quan Đánh giá Môi trường Hà Lan, các nước cần tập trung triển khai chính sách hướng tới cắt giảm phát thải khí methane, mà trước mắt là các biện pháp ít tốn kém chẳng hạn như giảm các sự cố rò rỉ khí tự nhiên, qua đó giúp giảm nhanh chóng nồng độ khí methane trong khí quyển.
N2O là tác nhân thứ ba làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu, gây hiệu ứng nhà kính gấp 300 lần so với CO2. Khí N2O chủ yếu được thải ra từ phân bón nitrogen (nitơ) tổng hợp và phân chuồng sử dụng trong nông nghiệp.
Một phần khác có nguồn gốc từ hoạt động của con người chẳng hạn như trong ngành công nghiệp hóa chất, nước thải, nhiên liệu hóa thạch hoặc các nguồn tự nhiên như đất và đại dương.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature năm 2020, lượng khí thải do con người gây ra trên toàn cầu, chủ yếu là do bổ sung nitrogen vào đất trồng trọt, đã tăng thêm 30% trong vòng bốn thập kỷ qua.
Vì vậy, chìa khóa để cắt giảm N2O phụ thuộc vào việc sử dụng phân bón hiệu quả hơn. Theo nhà nghiên cứu người Pháp Philippe Ciais, chỉ cần cắt giảm lượng phân bón đối với 20% diện tích đất trồng trọt trên thế giới, đặc biệt là ở các vùng nông nghiệp cận nhiệt đới ẩm, sẽ có thể giảm được 2/3 tình trạng nóng lên toàn cầu do khí N2O gây ra.
Các khí nhà kính Flo hóa (có công thức hóa học là PFC, HFC và SF6) cũng là một nhóm các hóa chất góp phần gây ra biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm lên toàn cầu nếu được thải vào khí quyển ngay cả với lượng nhỏ.
Nhóm các chất này được tìm thấy trong tủ lạnh và tủ đông, máy bơm nhiệt, máy điều hòa không khí và mạng lưới điện.
Ví dụ, khí SF6 được tìm thấy trong máy biến áp điện gây hiệu ứng nhà kính gấp 24.000 lần so với CO2 trong khoảng thời gian 100 năm.
Nghị định thư Montreal được ký kết năm 1987 và được 195 quốc gia phê chuẩn đã giúp giảm đáng kể lượng phát thải CFC trong khí quyển, một loại khí flo khác làm suy giảm tầng ozone.
Năm 2016, thỏa thuận Kigali cũng quy định về việc loại bỏ dần HFC.
Năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã ký một hiệp ước để cấm dần việc bán các thiết bị có chứa khí flo, đặc biệt là HFC, nhằm loại bỏ hoàn toàn những loại khí này vào năm 2050./.
Cháy rừng dữ dội làm gia tăng hiện tượng Trái Đất nóng lên
Theo nghiên cứu, mặt đất nóng lên do cháy rừng ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng tái sinh rừng và thành phần các loài trong rừng, đồng thời thúc đẩy sự sụt giảm của lớp băng vĩnh cửu.