Nhân lực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Yêu cầu từ thị trường

Cùng với nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển là điều nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam quan tâm.
Nhân lực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Yêu cầu từ thị trường ảnh 1Dây chuyền sản xuất yên xe đạp xuất khẩu tại Công ty Pro Active Global Việt Nam, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Đại Năng, Bình Dương. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cùng với việc tăng cường dự báo cung-cầu lao động, làm thế nào để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, tạo sự phát triển bền vững đang là vấn đề được quan tâm.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các tỉnh, thành phố Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang.

Khu vực này được đánh giá là một trong những vùng kinh tế năng động nhất cả nước, thị trường lao động phát triển, nhu cầu tuyển lao động tăng cao gắn với yêu cầu về chất lượng, kỹ năng của nguồn nhân lực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội từng địa phương cũng như toàn vùng.

Nhu cầu tuyển dụng lớn

Ghi nhận thị trường lao động tại nhiều tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang tăng lên, đáp ứng yêu cầu phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.

Theo ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao động tại thành phố khá sôi động với nhu cầu tuyển dụng trong giai đoạn 2022-2025 được dự báo bình quân khoảng 310.000- 330.000 chỗ làm việc mỗi năm, trong đó, có khoảng 135.000- 140.000 chỗ làm việc mới. Đến năm 2025, nhu cầu nhân lực qua đào tạo sẽ chiếm 87% tổng nhu cầu nhân lực của thành phố.

Riêng trong 6 tháng đầu năm nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm 85,5% tổng nhu cầu nhân lực với gần 126.480 chỗ làm việc, tập trung ở các nhóm ngành như công nghệ thông tin, điện-điện lạnh, điện công nghiệp-điện tử, kiến trúc-kỹ thuật-công trình xây dựng, dịch vụ vận tải-kho bãi-dịch vụ cảng…

[Thị trường lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khởi sắc]

Còn tại Bình Dương, theo số liệu từ Cục thống kê tỉnh, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc, một số ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh có nhu cầu tuyển dụng lao động số lượng lớn.

Tỉnh đã chủ động liên hệ, làm việc với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước để ký kết hợp tác cung ứng, tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp, tạo việc làm cho trên 18.700 lao động mới, đạt 53,3% kế hoạch.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh, hiện nay, Bình Dương có 41 khu, cụm công nghiệp, do đó, nhu cầu thu hút lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn rất lớn.

Long An cũng là địa phương đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động. Theo lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An, là địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh, thu hút nhiều doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất, đến thời điểm tháng 7/2022, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thiếu khoảng trên 30.000 lao động.

Cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Cùng với nhu cầu tuyển lao động tăng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với kiến thức và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh trong giai đoạn mới cũng là điều nhiều địa phương quan tâm.

Nhân lực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Yêu cầu từ thị trường ảnh 2Người lao động đăng ký tìm việc làm. (Nguồn: TTXVN)

Ở tầm quốc gia, theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đã nêu rõ là phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Việc tiếp tục phát triển toàn diện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những đột phá chiến lược. Vì vậy, việc tăng năng suất lao động trong giai đoạn tới phải dựa chủ yếu vào nhân tố đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới. Muốn đổi mới, sáng tạo, cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực nói chung, nhất là phát triển kỹ năng nghề nghiệp của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ.

Nhiều chuyên gia nêu số liệu, dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế, trong 5 năm tới sẽ có 1/3 công việc thay đổi, 40% lao động khó có khả năng đáp ứng yêu cầu mới nếu kỹ năng lao động không được nâng lên. Trong khi đó, hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu cản trở sự phát triển và thu hút đầu tư tại nhiều địa phương, trong đó có một số địa phương ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nguồn nhân lực chất lượng cao thực tế vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) nhìn nhận, thực tế có nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo nghề hoặc người lao động chưa có đủ kỹ năng vào làm việc. Có doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí, sau khi tuyển lao động chỉ hướng dẫn trong một khoảng thời gian ngắn là đưa lao động vào dây chuyền làm việc.

Điều này sẽ gây hệ lụy là năng suất lao động thấp, dẫn đến thu nhập của người lao động thấp. Chưa kể, một thời gian sau do không qua giáo dục nghề nghiệp, không có kiến thức “nền”, người lao động sẽ rất xa lạ với các công nghệ mới. Lúc đó, nếu không được tổ chức đào tạo để đáp ứng yêu cầu công việc, người lao động dễ bị sa thải.

Lấy dẫn chứng từ một địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Bình Dương, theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, là thủ phủ công nghiệp của cả nước, Bình Dương đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động có kỹ năng. Đây là một “điểm nghẽn” vì là địa phương phát triển công nghiệp và dịch vụ nhưng lại đang thâm dụng lao động ít kỹ năng.

Vì vậy, đối với nguồn nhân lực, Bình Dương cần tiếp tục có chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút nhân lực về các chiến lược, công cụ và công nghệ mới cho khu công nghiệp, kết nối chuỗi cung ứng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đô thị thông minh.

Từ góc độ người sử dụng lao động, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện tỉnh Bình Dương chia sẻ, tuyển đủ nhân lực, nhất là tuyển được nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh đang là vấn đề băn khoăn của nhiều doanh nghiệp.

Để đảm bảo đủ nhân lực, doanh nghiệp tăng cường tuyển dụng và chủ động phối hợp với các trường nghề nhằm đào tạo nhân lực đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, sự thiếu hụt lao động, nhất là lao động chất lượng cao, có đầy đủ kỹ năng mà người sử dụng lao động mong muốn chưa thể giải quyết trong thời gian ngắn, cần có giải pháp căn cơ, lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục