Ngày 17/6, tại Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã ký thỏa thuận hợp tác dự án mới có tên “Nhân rộng các mô hình quản lý rác thải tổng hợp và toàn diện thông qua việc trao quyền cho người lao động khu vực phi chính thức và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.”
Dự án kéo dài trong ba năm với tổng chi phí 1,3 triệu USD do Chính phủ Na Uy tài trợ, nhằm triển khai và thử nghiệm các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho người lao động khu vực phi chính thức tham gia xử lý rác thải; mô hình quản lý trong lĩnh vực thủy sản; tiếp cận hệ sinh thái của chuỗi giá trị thông qua việc thành lập cơ sở tái chế vật liệu, thí điểm tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Dự án này góp phần thể hiện cam kết mạnh mẽ và sự hợp tác sâu rộng giữa Na Uy và UNDP nhằm giải quyết vấn đề quản lý chất thải ở Việt Nam; đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn toàn diện.
[Xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh không gây ô nhiễm môi trường]
Dự án là sự tiếp nối thành công của một dự án trước đó cũng do Na Uy tài trợ mang tên “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 tỉnh, thành phố” với mục tiêu xây dựng các mô hình tích hợp, mô hình xanh để xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nhựa tại các địa phương Quảng Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Định, Đà Nẵng.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Grete Lochen bày tỏ vui mừng khi có thêm một dự án hợp tác giữa Na Uy, UNDP Việt Nam và Chính phủ Việt Nam.
Theo bà Grete Lochen, dự án mới này đáp ứng nhu cầu nhân rộng, nâng cấp các trung tâm thu gom và tái chế rác thải để phù hợp với các tiêu chuẩn môi trường, xã hội; đồng thời gắn kết người lao động khu vực phi chính thức thu gom và phân loại rác thải.
Dự án sẽ tạo một môi trường thuận lợi, giúp các chính quyền địa phương, doanh nghiệp áp dụng nguyên tắc kinh tế tuần hoàn, qua đó nâng cao năng lực quản lý rác thải cho cộng đồng.
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam khẳng định UNDP tự hào về mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và Na Uy trong thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Dự án mới này sẽ tăng cường chuỗi giá trị rác thải và nhựa ở Quy Nhơn, thông qua việc xây dựng cơ sở tái chế vật liệu, mô hình quản lý rác thải trong ngành thủy sản, thí điểm một số giải pháp để thúc đẩy sinh kế và tăng cường sự tham gia của người lao động làm về rác thải, đặc biệt là lao động nữ.
Trên cơ sở thành lập nền tảng kết nối các bên trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, dự án mới sẽ tiếp tục gắn kết các bên liên quan, tổng hợp kiến thức về kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy trao đổi, tăng cường quan hệ đối tác, theo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 và Kế hoạch Hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương.
Bà Caitlin Wiesen tin tưởng, bằng cách tập hợp các mô hình quản lý chất thải bền vững và toàn diện, các sáng kiến, tư vấn chính sách, dự án sẽ đẩy nhanh hơn nữa việc đạt được mục tiêu phát triển tuần hoàn và phát thải carbon thấp cho Việt Nam trong tương lai.
Nhìn chung, dự án sẽ đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) như ngăn ngừa ô nhiễm rác thải nhựa trên biển, bằng việc tăng cường sự tham gia của ngành thuỷ sản, đóng góp vào Mục tiêu 14 - Tài nguyên và Môi trường biển; đóng góp vào Mục tiêu 1 - Xóa nghèo, với việc tăng thu nhập và cơ hội phát triển sinh kế của lao động nữ làm về rác thải; thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, thông qua tập huấn và tiếp cận các quỹ sinh kế, đóng góp cho Mục tiêu 5 - Bình đẳng giới; đóng góp cho lĩnh vực bảo vệ môi trường, bằng việc áp dụng các chuỗi giá trị bền vững để giảm lượng chất thải bị đốt hoặc chôn lấp, thúc đẩy thu gom và tái sử dụng các vật liệu có thể tái chế; đóng góp vào mục tiêu 12 - Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm và Mục tiêu 11 - Các thành phố và cộng đồng bền vững./.