Ngày 16/11, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết cơ quan này vừa ban hành Quyết định số 3257/QĐ-BTNMT về tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện môi trường.
Theo đó, bao bì nhựa thân thiện với môi trường gồm các loại phân hủy sinh học có khả năng phân hủy sinh học hiếu khí hoặc yếm khí (trong môi trường tự nhiên, compost hoặc trong bãi chôn lấp chất thải rắn) thành dioxide carbon (CO2), nước (H2O), các hợp chất vô cơ và sinh khối.
Cùng với đó là bao bì nhựa tái chế được sản xuất với nguyên liệu chính là nhựa polyethylene (nhựa PE) hoặc polypropylene (nhựa PP) có dạng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi) hoặc dạng màng để có thể bao bọc, che phủ, chứa đựng và bảo vệ giá trị sử dụng của sản phẩm, hàng hóa trong sinh hoạt hoặc trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng...
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân, bao bì nhựa tồn lưu trong môi trường, hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn, dẫn đến những vấn đề ô nhiễm. Quá trình sản xuất nhựa để làm bao bì cũng tác động lớn đến môi trường như phát thải khí nhà kính, tiêu hao nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên.
Kinh tế tuần hoàn: Không thể bàn mãi lý thuyết, phải có mục tiêu rõ ràng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý không thể bàn mãi về lý thuyết và nếu không có mục tiêu rõ ràng thì không thể thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Vì thế, việc sản xuất bao bì có hiệu quả tích cực về kinh tế và môi trường như giảm chi phí sử dụng nguyên liệu nhựa có nguồn gốc dầu mỏ đầu vào trong quy trình sản xuất; giảm chi phí xử lý chất thải tại các bãi chôn lấp; giảm khai thác tài nguyên để sản xuất nhựa nguyên liệu, giảm phát thải khí nhà kính là yêu cầu cấp thiết.
Do vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành tiêu chí Nhãn sinh thái Việt Nam đối với bao bì nhựa thân thiện môi trường, nhằm mục đích khuyến khích sản xuất và tiêu thụ bền vững; nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam trên thị trường.
“Đặc biệt là nhằm giảm thiểu chất thải rắn, tiết kiệm tài nguyên thông qua việc tái chế, tái sử dụng bao bì nhựa; giảm thiểu phát thải khí nhà kính từ việc sản xuất, xử lý bao bì nhựa sau tiêu dùng,” ông Nhân nhấn mạnh./.