Nhân tố Iran đẩy giá dầu Brent chạm "đáy" mới trong 12 năm qua

giá dầu Brent tiếp tục “rơi tự do” xuống mức thấp kỷ lục mới của 12 năm trong bối cảnh giới đầu tư quan ngại triển vọng Iran tăng cường nguồn cung dầu mỏ sau khi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này.
Nhân tố Iran đẩy giá dầu Brent chạm "đáy" mới trong 12 năm qua ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: tradingbanks.com)

Trong phiên giao dịch ngày 14/1 tại thị trường châu Á, giá dầu Brent tiếp tục “rơi tự do” xuống mức thấp kỷ lục mới của 12 năm trong bối cảnh giới đầu tư quan ngại triển vọng Iran tăng cường nguồn cung dầu mỏ sau khi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này được dỡ bỏ sẽ tiếp tục nhấn chìm thị trường năng lượng.

Theo đó, trên sàn giao địch điện tử Singapore, giá dầu Brent có lúc đã giảm 1,5% xuống chỉ còn 29,73 USD mỗi thùng, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ tháng 2/2004.

Tuy nhiên, sau khi dành phần lớn thời gian giao dịch trong “vùng đỏ," vào lúc 14 giờ 30 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent đã nhích nhẹ 17 xu Mỹ lên 30,48 USD mỗi thùng trong khi giá dầu ngọt nhẹ (WTI) cũng tăng 43 xu Mỹ lên 30,91 USD mỗi thùng.

Đây là phiên thứ hai liên tiếp giá dầu Brent rơi xuống dưới ngưỡng 30 USD mỗi thùng sau khi giá dầu WTI trải qua điều tương tự trong phiên ngày 12/1.

Nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là triển vọng Iran tăng cường “bơm” dầu mỏ vào thị trường thế giới sau khi các lệnh trừng phạt liên quan đến chương trình hạt nhân nhằm vào Tehran dự kiến được dỡ bỏ vào ngày 15/1.

Động thái này được dự báo sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng cung vượt cầu vốn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên thị trường năng lượng.

Bên cạnh đó, mặc dù dự trữ dầu mỏ tại Mỹ chỉ tăng 234.000 thùng trong tuần trước, thấp hơn nhiều so với dự báo, song việc nước này cho tăng cường dự trữ đến 8,4 triệu thùng xăng và hơn 6 triệu thùng chế phẩm từ dầu mỏ khác (gồm dầu diesel và dầu sưởi ấm) lại là yếu tố gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường năng lượng.

Theo nhận định của ngân hàng Barclays, mặc dù nguồn cung từ những nước ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Mỹ có thấp hơn song vẫn là chưa đủ trong bối cảnh OPEC ngày càng bơm nhiều dầu mỏ ra thị trường trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ ngày càng trì trệ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.