Nhân tố Iran khiến giá dầu thị trường châu Á đi xuống

Giá dầu châu Á đi xuống trước những dấu hiệu cho thấy Iran có thể không tham gia thỏa thuận "đóng băng" sản lượng vừa đạt được giữa Saudi Arabia, Nga và một số nhà sản xuất dầu mỏ khác.
Nhân tố Iran khiến giá dầu thị trường châu Á đi xuống ảnh 1Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở thành phố Oklahoma thuộc Oklahoma, Mỹ ngày 12/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch ngày 17/2, giá dầu châu Á đi xuống trước những dấu hiệu cho thấy Iran có thể không tham gia thỏa thuận "đóng băng" sản lượng vừa đạt được giữa Saudi Arabia, Nga và một số nhà sản xuất dầu mỏ khác.

Ngày 17/2, Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela, Eulogio Del Pino và Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq, Adel Abdel Mahdi, sẽ tới Tehran để đàm phán với người đồng cấp Iran Bijan Zanganeh.

Đại diện của Iran tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), ông Mehdi Asali ngày 17/2 khẳng định Tehran sẽ tiếp tục tăng sản lượng khai thác lên mức tương đương trước thời điểm chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế năm 2011.

Giá dầu đi lên lúc đầu phiên 17/2 tại châu Á trong bối cảnh nhà đầu tư kỳ vọng thỏa thuận “đóng băng” sản lượng sẽ giúp hạ sản lượng khai thác trong dài hạn, tuy nhiên đến cuối phiên giá mặt hàng này đảo chiều đi xuống.

Tại sàn giao dịch điện tử Singapore, vào lúc 14 giờ 39 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 31 xu Mỹ xuống 31,87 USD/thùng. Giá mặt hàng này đã có thời điểm leo lên 32,83 USD/thùng lúc đầu phiên này.

Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ hạ 25 xu Mỹ xuống 28,79 USD/thùng, sau khi có thời điểm tăng lên trên ngưỡng 29 USD/thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.