Giá dầu đi xuống trên thị trường New York và London trong phiên giao dịch 10/4 trong bối cảnh hoạt động xuất nhập khẩu sa sút tại Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu thô lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu dầu thô của Libya sẽ sớm được khôi phục cũng là tín hiệu khiến giá dầu đi xuống.
Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế phần nào nhờ số liệu cho thấy nhu cầu dầu tại nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là quốc gia tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới là Mỹ đã tăng lên.
Đóng cửa phiên 10/4 trên thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 5/2014 giảm tiếp 20 xu so với phiên trước, xuống 103,40 USD/thùng, trong khi tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 52 xu xuống 107,46 USD/thùng.
Theo nhà phân tích Tim Evans thuộc Citi Futures, hoạt động xuất khẩu dầu thô của Libya có thể sẽ được sớm nối lại sau khi Chính phủ Libya đạt được một thỏa thuận về dầu mỏ với lực lượng nổi dậy ở khu vực miền Đông vào cuối tuần qua, giải quyết được vụ phong tỏa một số cảng xuất dầu quan trọng của nước này kéo dài đã chín tháng nay.
Theo thỏa thuận vừa đạt được này, trong ba cảng xuất dầu chủ chốt của Libya, cảng Zuetina dự kiến sẽ hoạt động trở lại vào cuối tuần này, trong khi hai cảng khác dự kiến sẽ khôi phục lại hoạt động trong vòng hai đến bốn tuần tới.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đã đạt được, giới phân tích vẫn khá thận trọng về tình hình tại Libya do tình hình tại đây vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn khó lường.
Trong khi đó, số liệu thương mại tháng Ba yếu đi tại Trung Quốc cũng gây áp lực lên giá dầu. Riêng về mặt hàng dầu thô, theo số liệu của Commerzbank, trong tháng Ba Trung Quốc chỉ nhập khẩu 5,54 triệu thùng dầu/ngày, giảm 8,0% so với tháng Hai và là tháng có mức nhập khẩu thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.
Sang phiên cuối tuần ngày 11/4 trên thị trường châu Á, giá dầu vẫn tiếp tục đà giảm, với dầu ngọt nhẹ Mỹ giảm thêm 16 xu xuống 103,24 USD/thùng và dầu Brent giảm tiếp 12 xu xuống 107,34 USD/thùng./.