Nhân tố Ukraine chi phối thị trường năng lượng tuần qua

Thị trường năng lượng tuần qua “tăng nhiệt” do tâm lý lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung qua nước trung chuyển Ukraine để vào Tây Âu.

Tuần qua, giá của nhiều loại hàng hóa đã đi lên, trong bối cảnh các nhà giao dịch căng mắt dõi theo những diễn biến tại “điểm nóng” Ukraine.

Thị trường năng lượng cũng “tăng nhiệt” do tâm lý lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung qua nước trung chuyển Ukraine để vào Tây Âu. Tuy nhiên, đến cuối tuần giá dầu lại giảm khi một số nhà giao dịch muốn chốt lãi.

Cụ thể, chốt phiên 9/5, giá dầu thô Mỹ thuộc hợp đồng giao tháng 6/2014 giảm 27 xu xuống 99,99 USD/thùng. Giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng giảm 15 xu Mỹ xuống 107,89 USD/thùng.

Theo các chuyên gia phân tích, giá dầu ngày 9/5 giảm còn do đồng USD lên giá hai phiên liên tiếp so với đồng euro, khiến các hàng hóa được giao dịch bằng đồng tiền xanh trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà đầu tư đang giữ trong tay các tiền tệ khác.

Đồng USD bắt đầu lên giá trong ngày 8/5, sau khi người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi tuyên bố ngân hàng này sẵn sàng áp dụng thêm các biện pháp nới lỏng tiền tệ tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vào tháng Sáu tới.

Trong cả tuần, chi phối tâm lý trên thị trường là những diễn biến tại Ukraine. Theo chuyên gia phân tích Eugene McGillian thuộc Tradition Energy, giá dầu tuần qua còn nhận được sự hỗ trợ khi thị trường ngày một lo ngại rằng Libya không thể tăng xuất khẩu dầu, trong bối cảnh phiến quân tuyên bố họ “không làm việc” với tân Thủ tướng nước này.

Một diễn biến đáng chú ý trong trên thị trường năng lượng tuần trước là giá dầu ngày 7/5 tăng hơn 1 USD sau khi có tin kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm ngoài tiên lượng. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng đang khởi sắc tại nước tiêu thụ dầu thô hàng đầu thế giới.

Bộ Năng lượng Mỹ cho hay dự trữ dầu thô tại cường quốc này trong tuần kết thúc vào ngày 2/5 giảm 1,8 triệu thùng, ngược hẳn với dự đoán của thị trường là tăng 1,2 triệu thùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.