Ngày 10/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc và Đoàn công tác của Chính phủ đã đến kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.
Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã đi thị sát các khu vực bị ảnh hưởng do thiên tai tại tỉnh, gồm: Tuyến đê Chã, điểm ngập úng tại khu vực 4, tổ dân phố phường Tân Phú, thành phố Phổ Yên; khu vực cầu Hòa Sơn, điểm đầu của Dự án Tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc (thành phố Phổ Yên); công trình đập thác Huống và một số điểm ngập úng khác ở thành phố Thái Nguyên.
Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, bão số 3 ảnh hưởng đến tỉnh từ ngày 6-9/9 gây mưa to đến rất to kèm theo dông lốc. Cùng với đó là mưa to ở thượng nguồn sông Cầu và một số địa phương làm mực nước sông Cầu dâng cao, gây ngập lụt nhiều nơi gây nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Cụ thể, nước lũ đã gây ngập lụt, cô lập 22 xã, phường tại thành phố Thái Nguyên, 23 xã của huyện Định Hóa, 10 xã huyện Phú Lương, 8 xã huyện Phú Bình… Có 3.756 nhà ở bị ngập và phải di dời khẩn cấp; 21 điểm trường bị ảnh hưởng; trên 3.500 ha lúa, hoa màu bị đổ, ngập nước. Mưa bão cũng làm 1 trạm biến áp bị hư hỏng, gẫy đổ 87 cột điện và sạt lở nhiều tuyến đường giao thông, hàng trăm con gia cầm bị nước cuốn… Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 41 tỷ đồng.
Tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ thông qua các công điện khẩn, tỉnh tập trung vào việc ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão, kích hoạt toàn bộ phương án “4 tại chỗ," ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, cương quyết di dời các hộ dân có nguy cơ mất an toàn.
Tỉnh triển khai các biện pháp hộ đê chống lũ, xử lý sạt lở giao thông, khôi phục hệ thống điện và điều tiết an toàn các hồ chứa. Đến thời điểm này hệ thống đê sông Cầu đã an toàn.
Sau khi kiểm tra thực tế, làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đánh giá cao những nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh trong phòng, chống thiên tai. Mặc dù số người thiệt mạng trong các đợt bão thường ít, nhưng sau bão tỷ lệ tử vong lại tăng cao, do đó Thái Nguyên cần coi đó là bài học để tiếp tục cảnh giác, không được chủ quan khi bão suy yếu; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo người dân về các nguy cơ tiềm ẩn, không tin vào những thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lưu ý, tỉnh Thái Nguyên phải nhanh chóng khử trùng, phòng, chống dịch bệnh ngay sau khi nước rút, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh không để người dân thiếu đói, nếu cần hỗ trợ, tỉnh cần sớm báo cáo để Chính phủ kịp thời hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo tỉnh cần nhanh chóng khắc phục cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, y tế, trường học, hệ thống điện để cuộc sống người dân sớm ổn định.
Đối với việc nâng cấp hệ thống đê sông Cầu, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh chủ động xây dựng dự án và đề xuất kinh phí hỗ trợ từ Trung ương theo quy định.
Xử lý nghiêm hành vi lợi dụng khó khăn tăng giá trục lợi
Trong sáng 10/9, thành phố Lào Cai đã chỉ đạo đơn vị môi trường huy động lực lượng, máy móc phối hợp cùng các lực lượng công an, quân sự, đoàn thanh niên triển khai công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường những chỗ nước đã rút. Ngoài ra, thành phố Lào Cai cũng kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ người dân dọn dẹp vệ sinh, sớm ổn định cuộc sống.
Tính đến 15 giờ ngày 10/9, lũ trên sông Hồng tiếp tục xuống nhanh ở mức 83,09m, dưới báo động 3 là 0,41m; trên sông Hồng tại Bảo Hà là 61,23m, trên báo động 3 là 4,23m. Hầu hết các tuyến phố chính tại thành phố Lào Cai, nước đã rút, để lại một lượng bùn lớn.
Nhiều khu vực, người dân đo được lượng bùn sau lũ rút dày tới 70cm. Tuy nước đã rút, nhưng dòng chảy trên sông Hồng đoạn qua thành phố Lào Cai vẫn chảy xiết, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở hai bên bờ kè vẫn lớn.
Tại một số vùng trũng của thành phố Lào Cai như đường Hàm Nghi, Kim Tân; các thôn Ngòi Bo, Mường Bát của xã Thống Nhất vẫn còn trong tình trạng ngập lụt.
Trước đó, ngày 9/9, nước lũ Sông Hồng dâng cao đã làm ngập 1450 hộ dân với gần 4.000 nhân khẩu của thành phố Lào Cai. Hiện nay, nước lũ trên sông Hồng đoạn chảy qua thành phố Lào Cai đã rút hơn 2m so với đỉnh lũ trong ngày 9/9.
Cũng trong sáng 10/9, Lào Cai đã họp khẩn về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Tại cuộc họp này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai Trình Xuân Trường yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung nhân lực, vật lực để khắc phục ngay về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, với quyết tâm cao nhất, trong ngày 10/9 phải đảm bảo thông bước 1 các tuyến quốc lộ, trong 2 ngày tới phải thông các tuyến đường tỉnh, huyện, xã.
Các đơn vị khắc phục cấp điện trở lại tuyến huyện cho 3 địa phương Si Ma Cai, Bắc Hà, Mường Khương trước 18 giờ ngày 10/9; đồng thời tìm phương án tiếp cận, khôi phục trạm viễn thông 2 điểm Trung Lèng Hồ, A Lù (huyện Bát Xát) và tại các địa phương khác.
Cùng với đó, cầu các đơn vị, địa phương đảm bảo cân đối cung cấp mặt hàng thiết yếu cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng khó khăn tăng giá trục lợi.
Khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn
Nước các sông Lô và sông Phó Đáy đã cao mức báo động và có xu hướng tiếp tục lên cao, nhiều khu vực ở Vĩnh Phúc đã ngập trong nước.
Tại huyện Vĩnh Tường, vào hồi 13 giờ 30 phút ngày 10/9, mực nước trên sông Phó Đáy tại trạm đo thủy văn Kim Xá (xã Kim Xã) đã lên tới +15,00m, bằng báo động số II và và có khả năng tiếp tục lên do lượng nước ở thượng lưu dồn về. Nước lên cao đã gây ngập úng ở thôn Việt An và thôn Việt Hưng, xã Việt Xuân.
Để đảm bảo an toàn cho người dân các lực lượng chức năng của huyện Vĩnh Tường đã kịp thời sơ tán tài sản cho hơn 50 hộ dân trong vùng ngập úng. Hiện, lực lượng chức năng tiếp tục hỗ trợ các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ngập di dời tài sản, đảm bảo an toàn.
Tại Cầu Phú Hậu ở xã Việt Xuân đoạn từ km7-km9 của đường tỉnh 305C bị ngập sâu. Từ 9 giờ ngày 10/9, tỉnh Vĩnh Phúc tạm cấm các phương tiện di chuyển qua cầu Phú Hậu, đồng thời tổ chức, phân luồng giao thông.
Mực nước sông Phó Đáy dâng cao gây ngập lụt tại các khu dân cư hai bên triền đê, của hai huyện Tam Dương và Lập Thạch. Ngay trong đêm 9/9, hai huyện đã huy động các lực lượng sử dụng các phương tiện tiếp cận, kịp thời sơ tán, di chuyển gần 500 hộ dân cùng tài sản và vật nuôi vùng ngoài đê sông Phó Đáy tới nơi tránh trú an toàn.
Tại huyện Sông Lô, đêm 9/9, nhiều diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại nặng, nhà cửa tại các xã: Đức Bác, Hải Lựu, Bạch Lưu, Đôn Nhân bị ngập. Trước tình hình đó, huyện Sông Lô quyết định sơ tán khẩn cấp gần 300 hộ dân tại các đến nơi an toàn. Chính quyền huyện Sông Lô đang tiếp tục vận động, tuyên truyền các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ chủ động sơ tán đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc ra lệnh báo động số I trên sông Phó Đáy cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Lập Thạch, Tam Dương, Vĩnh Tường và yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống đê điều theo cấp báo động số 1 đúng quy định. Các đơn vị tuần tra, canh gác đê để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống; nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều.
Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp rà soát toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh (quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã) để đánh giá mức độ an toàn của công trình, nhất là các công trình cầu. Đồng thời, rà soát di chuyển ngay các hộ dân khu vực nguy cơ sạt lở, khu vực ở ngoài đê có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi nước lũ lên cao./.
Cục Đường thủy đề ra biện pháp xử lý tàu, thuyền trôi dạt do mưa lũ
Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị các cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi nắm bắt tình hình nếu phát hiện phương tiện trôi dạt do mưa lũ phải kịp thời thông báo cơ quan chức năng để xử lý.