Hơn 30 năm qua, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các chương trình Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) tại Việt Nam. Tại buổi họp báo thường niên của JICA, ngày 17/10, ông Sugano Yuichi, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đã chia sẻ với báo chí những thành tựu, thách thức và định hướng tương lai của ODA Nhật Bản.
Hiệu quả và thực chất
- Là cơ quan thực hiện ODA hàng đầu của Nhật Bản tại Việt Nam trong hơn ba thập kỷ, JICA đã đạt được những thành công nào đáng ghi nhận trong quá trình hợp tác cùng Chính phủ Việt Nam, thưa ông?
Ông Sugano Yuichi: Những điển hình hợp tác trong 30 năm qua tôi xin đơn cử về hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải mà người dân Việt Nam có thể cảm nhận rõ, như tuyến đường kết nối từ nhà ga quốc tế mới của Sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, Đại lộ Đông Tây ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hầm Hải Vân kết nối giữa Đà Nẵng và Huế và cầu Cần Thơ ở Đồng bằng sông Mekong...
Mặc dù khó có thể nhìn thấy bằng mắt những thành tựu của hợp tác kỹ thuật, nhưng có thể nói Nhật Bản đã hỗ trợ cho Việt Nam từ việc xây dựng chiến lược phát triển giao thông vận tải quốc gia đến quy hoạch các dự án lớn có mức độ ưu tiên cao cũng như giúp phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực xây dựng quy hoạch cho các cơ quan, bộ ngành liên quan của Việt Nam.
Chuyên gia JICA khuyến nghị chính sách phòng, chống ngập úng đô thị tại Việt Nam
Theo chuyên gia JICA, để phòng chống hiệu quả tình trạng ngập úng đô thị, Việt Nam cần cần có quy hoạch thoát nước tổng thể dài hạn hoặc kế hoạch thực hiện trung hạn và quản lý hạ tầng hiệu quả.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực y tế, Nhật Bản đã hợp tác cải thiện cơ sở vật chất và phát triển nguồn nhân lực tại Bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế-“ba bệnh viện nòng cốt” ở ba miền.
Trong lĩnh vực pháp luật, Nhật Bản đã hỗ trợ cải cách hệ thống tư pháp cùng với các chính sách của nền kinh tế thị trường. Đối với phát triển nguồn nhân lực, Nhật Bản hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất và tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục trọng điểm của Việt Nam như Đại học Cần Thơ, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Việt Nhật, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Viện Công nghiệp Hồ Chí Minh và Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nhật (VJCC). Ngài Chủ tịch JICA đã từng chia sẻ: Tầm nhìn của JICA là "kết nối thế giới bằng lòng tin."
Trong năm tài khoá của Nhật Bản từ tháng 4 năm ngoái đến tháng 3 năm nay, JICA đã ký kết các khoản vốn vay tổng giá trị lên tới 102,2 tỷ Yên (tương đương 678 triệu đô la Mỹ) và chưa bao gồm “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân.” Đây là mức cao nhất trong 6 năm qua kể từ năm 2017. Bên cạnh đó, hợp tác kỹ thuật đạt 5,2 tỷ Yên (tương đương 35 triệu đô la Mỹ), quy mô lớn nhất thế giới trong cùng năm tài khoá và viện trợ không hoàn lại đạt 1,1 tỷ Yên (tương đương 7,5 triệu đô la Mỹ) vốn cam kết.
- Trong quá trình triển khai các dự án ODA tại Việt Nam, JICA đã có những giải pháp gì để hài hoà lợi ích giữa hai bên, tạo thuận lợi cho việc thực hiện dự án hiệu quả nhất, thưa ông ?
Ông Sugano Yuichi: JICA triển khai các chương trình hợp tác cho các nước đang phát triển trên thế giới, bao gồm hợp tác kỹ thuật, viện trợ không hoàn lại, các khoản vay bằng đồng yên và hợp tác có sự tham gia của người dân như phái cử tình nguyện viên.
Tuy nhiên mỗi một nước/khu vực có văn hoá, phong tục tập quán, cách suy nghĩ và trình độ phát triển khác nhau nên không dễ để xây dựng sự tin cậy lẫn nhau để từ đó dẫn tới thành công các dự án ODA.
Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã có những sáng kiến như phái cử các chuyên gia và tình nguyện viên Nhật Bản sang các nước sở tại, mời các cán bộ chính phủ của các nước sang Nhật Bản để chia sẻ về công nghệ, cách suy nghĩ, phong tục tập quán của Nhật Bản…, qua đó xây dựng và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Trên cơ sở đó, Nhật Bản tin rằng các nỗ lực trong việc thực hiện các dự án với những kết quả cụ thể như cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân qua phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng sẽ góp phần xây dựng mối quan hệ tin cậy với nhiều quốc gia.
Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực xây dựng các quy định pháp luật liên quan đến ODA, điều này tạo sự yên tâm cho các nhà tài trợ song phương như JICA và các tổ chức quốc tế, cũng như các doanh nghiệp đa quốc gia của Nhật Bản và Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ (NGO) triển khai các dự án tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, JICA muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực chia sẻ nhận thức chung để hướng tới những cải thiện mới. Nhật Bản mong muốn chia sẻ những đề xuất mang tính xây dựng, phát huy kinh nghiệm tích luỹ được của mình với chính phủ Việt Nam.
Ba trọng điểm ưu tiên
- Ông có thể chia sẻ về những dự án ODA trọng điểm mà JICA dự kiến triển khai tại Việt Nam trong tương lai gần?
Ông Sugano Yuichi: Kế hoạch dự kiến trong thời gian tới, dự án ODA trọng điểm sẽ dựa trên 3 lĩnh vực ưu tiên. Thứ nhất là về “tăng trưởng chất lượng cao," JICA đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có quy mô lớn nhất tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự án tuyến Metro số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều người quan tâm cũng đã bắt đầu chạy thử và đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị này vào khai thác. Chúng tôi hy vọng rằng tuyến METRO số 1 sẽ trở thành phương tiện đi lại quan trọng của người dân, góp phần giảm phát thải carbon thông qua việc giảm ùn tắc giao thông.
Thứ hai là trong trụ cột về “hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương," chúng tôi đang triển khai dự án hợp tác kỹ thuật liên quan đến các biện pháp ứng phó với sạt lở đất ở khu vực phía Bắc. Trong khuôn khổ của dự án hợp tác này, chúng tôi cũng đang xem xét xây dựng và triển khai các kế hoạch giảm thiểu rủi ro do sạt lở đất ở những khu vực bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi cơn bão vừa qua, nhằm “xây dựng lại tốt hơn” và hợp tác để tăng trưởng kinh tế không bị đình trệ do hậu quả của thảm hoạ thiên tai. Trong số đó, hợp tác kỹ thuật đang được triển khai ở lĩnh vực nông nghiệp nhằm tăng cường chuỗi giá trị cây trồng an toàn. Chúng tôi cố gắng đáp ứng một cách linh hoạt nhu cầu của địa phương nhằm cung cấp hỗ trợ khẩn cấp để giúp nông dân bị thiệt hại phục hồi nhanh chóng và tiếp tục sản xuất nông nghiệp trong tương lai.
Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ, JICA đã bắt đầu triển khai dự án hợp tác kỹ thuật nhằm phát triển nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu cải thiện dịch vụ chăm sóc y tế ở các vùng sâu vùng xa. Đến nay, chúng tôi đang chuẩn bị triển khai dự án hợp tác kỹ thuật mới nhằm tăng cường phòng chống viêm gan virus - một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Việt Nam. Trong khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại, vào tháng 5/2024, chúng tôi đã ký thỏa thuận viện trợ và hiện đang triển khai thực hiện Dự án “Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K”- nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chẩn đoán và điều trị ung thư và hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị để cung cấp thiết bị.
Cuối cùng là trụ cột “Phát triển nguồn nhân lực.” Năm nay là năm kỷ niệm 10 năm thành lập trường Đại học Việt-Nhật. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với trường để có thể phát triển và đào tạo nguồn nhân lực làm cầu nối giữa Nhật Bản và Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn khổ chương trình JICA Chair nhằm thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản, chúng tôi đang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS) để biên soạn sách chuyên khảo cho sinh viên nhằm cung cấp một cách tổng quan về lịch sử quan hệ Nhật Bản-Việt Nam và dự kiến sách sẽ được xuất bản trong thời gian sắp tới.
- Bên cạnh các khoản viện trợ về tài chính và kỹ thuật, xin ông cho biết các chương trình hỗ trợ sinh kế và xoá đói giảm nghèo của Nhật Bản đóng góp như thế nào vào sự phát triển bền vững của Việt Nam?
Ông Sugano Yuichi: Cải thiện sinh kế và xoá đói giảm nghèo là nội dung quan trọng nhằm mục đích “bảo vệ con người khỏi các mối đe dọa như nghèo đói và thảm họa, đồng thời đảm bảo rằng mỗi người đều có cơ hội và lựa chọn để hiện thực hoá tiềm năng của mình và có thể tự mình đối phó với các mối đe dọa.”
JICA cũng xác định sứ mệnh lớn nhất của mình là “hiện thực hóa an ninh con người và tăng trưởng chất lượng cao.” Điển hình là Dự án khảo sát nghiên cứu quy hoạch tổng thể kiểm soát lũ ở khu vực miền Trung, giảm thiểu thiệt hại do sạt lở đất thông qua Dự án xây dựng thử nghiệm các công trình chống xói mòn ở khu vực phía Bắc, Dự án xây dựng các cửa ngăn nước để giảm thiệt hại do xâm nhập mặn do nước biển dâng ở phía Nam đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, từ góc độ hợp tác để hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, chúng tôi đang thực hiện “Dự án cải thiện sự phát triển của trẻ sơ sinh nhẹ cân ở những vùng bị ô nhiễm nặng bởi chất độc màu da cam và dioxin” ở tỉnh Bình Định, “Dự án xây dựng hệ thống luyện giọng nói và mở lớp luyện giọng nói bằng thực quản cho bệnh nhân sau phẫu thuật thanh quản” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi hướng tới hiện thực hoá an ninh con người tại nhiều khu vực và cho nhiều đối tượng khác nhau.
Đặc biệt là những chương trình và dự án đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và đóng góp cả về hạ tầng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn. Người dân và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến Việt Nam, một quốc gia liên tục duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững.
Việt Nam là nước đứng đầu trong số các nước mà JICA đang triển khai hợp tác với việc cử 45 Tình nguyện viên Hợp tác hải ngoại Nhật Bản, 36 dự án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển bền vững và 24 dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở (Chương trình đối tác phát triển). Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng thứ 2 thế giới với 9 dự án thuộc chương trình “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân” của JICA.
Xin cảm ơn ông!