Theo các nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản, chính phủ và các đảng cầm quyền ở nước này sẽ cân nhắc soạn thảo các biện pháp kích thích kinh tế trị giá hơn 5.000 tỷ yen (44 tỷ USD) nhằm tăng phúc lợi và khuyến khích chi tiêu, tránh để nền kinh tế vốn đã yếu trở nên "ốm yếu" hơn.
Động thái đó được cho là sẽ diễn ra sau khi Quốc hội thông qua các dự luật về ngân sách và dự luật điều chỉnh thuế 2016 vào ngày 29/3. Chính phủ có kế hoạch trình dự luật ngân sách bổ sung tại phiên họp đặc biệt của Quốc vào mùa Thu.
Một số quan chức chính phủ và liên minh cầm quyền của đảng Dân chủ tự do và đảng Komeito (Công minh) cho rằng các biện pháp kích thích cần có trị giá vào khoảng 5-10.000 tỷ yen.
Do Thủ tướng Shinzo Abe có thể quyết định trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng được dự kiến vào tháng 4/2017, quy mô của gói kích thích được cho là sẽ phụ thuộc vào quyết định này.
Các biện pháp kích thích sắp tới có thể được đưa ra trong kế hoạch được soạn thảo vào tháng Năm nhằm tăng phúc lợi, bao gồm tăng hỗ trợ cho các chính quyền địa phương để xây dựng các cơ sở bảo trợ trẻ em, tăng lương cho người lao động làm công việc chăm sóc trẻ em.
Để thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, Chính phủ Nhật Bản sẽ cân nhắc việc phát phiếu mua hàng được sử dụng ở trong nước và cấp trợ cấp cho những thanh niên có thu nhập thấp. Ngân sách bổ sung có thể cũng bao gồm việc nâng cấp cơ sở hạ tầng để thu hút khách du lịch nước ngoài và các công trình công cộng nhằm đối phó với thiên tai.
Liên quan đến cuộc cách mạng công nghệ tài chính ở Nhật Bản, nước này đã sẵn sàng cho việc nới nỏng các hạn chế đầu tư, từ đó "cởi trói" cho dòng vốn tại một nền kinh tế mà các cá nhân đang giữ một lượng tiền mặt ước tính là 9.000 tỷ USD.
Cơ quan quản lý tài chính Nhật Bản hy vọng việc nới lỏng quy định về đầu tư vào các dự án tài chính và hệ thống mới về quản lý các sàn giao dịch đồng tiền ảo sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng Năm, bước đầu tiên cho việc khởi động cuộc cách mạng công nghệ tài chính ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Theo dữ liệu của CB Insights, các dự án mang tính cách mạng về công nghệ tài chính đã huy động được 2,7 tỷ USD ở Trung Quốc trong năm ngoái, và trên 1,5 tỷ USD ở Ấn Độ. Trong khi đó, đầu tư cho các dự án như vậy ở Nhật Bản mới chỉ đạt khoảng 44 triệu USD trong các tháng 1-9/2015./.