Nhật Bản vẫn lạc quan bất chấp tình hình kinh tế khó khăn

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yosihide Suga khẳng định bất chấp số liệu tăng trưởng GDP trong quý 4/2015 ảm đạm, kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tiếp tục hồi phục.
Nhật Bản vẫn lạc quan bất chấp tình hình kinh tế khó khăn ảnh 1Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga. (Nguồn: japantimes)

Bất chấp những số liệu ảm đạm về tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2015, nền kinh tế Nhật Bản vẫn đón nhận một số tín hiệu khả quan trong quý cuối cùng của năm 2015 với số chi tiền vốn, được Chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe coi là chìa khóa thúc đẩy nền kinh tế, đạt mức tăng 1,4%.

Đây là một bất ngờ lớn bởi vì trước đó thị trường dự đoán số liệu này sẽ giảm 0,2%.

Trong tuyên bố đưa ra trưa ngày 15/2, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định bất chấp số liệu tăng trưởng GDP trong quý 4/2015 ảm đạm, kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tiếp tục hồi phục.

Ông Suga cho rằng tình hình thị trường lao động và thu nhập tại Nhật Bản đang cải thiện. Ngoài ra, Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Nhật Bản Nobuteru Ishihara cũng khẳng định rằng các yếu tố nền tảng về kinh tế của Nhật Bản vẫn đang hỗ trợ cho việc cải thiện thị trường lao động và thu nhập.

Trước đó, Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 15/2 công bố báo cáo cho hay kinh tế nước này trong quý cuối cùng của năm 2015 đã suy giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2014. Giới phân tích nhận định nguyên nhân chính khiến nền kinh tế “xứ hoa anh đào” tiếp tục ảm đạm là do chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh.

Theo số liệu chính thức, tiêu dùng tư nhân chiếm tới 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này, đã giảm 0,8%, nhiều hơn so với mức dự đoán 0,6% trước đó của thị trường. Đây là một diễn biến tiêu cực nếu so với mức tăng tiêu dùng là 0,4% của quý trước.

Bên cạnh đó, xuất khẩu giảm 0,9% sau khi đạt mức tăng 2,6% trong quý trước. Nguyên nhân là do sự giảm sút hoạt động xuất khẩu sang Mỹ và các nền kinh tế đang nổi, trong đó có Trung Quốc.

Bộ trưởng Kinh tế và Chính sách Tài chính Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho rằng nguyên nhân chính là do thời tiết ấm bất thường tại Nhật Bản đã làm giảm sức mua các sản phẩm may mặc dành cho mùa Đông.

Bên cạnh đó, lương thấp rõ ràng là một yếu tố nữa tác động tiêu cực đến chi tiêu. Theo số liệu của chính phủ, mức lương trung bình hàng tháng đã giảm 0,9% trong năm 2015 so với năm 2014. Đây là năm thứ tư liên tiếp lương trung bình giảm.

Theo các nhà phân tích, số liệu trên càng làm nổi rõ thách thức mà chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang đối mặt trong cuộc chiến đưa nền kinh tế ra khỏi tình trạng trì trệ, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường mới nổi không đủ tạo ra động lực để bù đắp cho tình trạng nhu cầu trong nước suy yếu.

Giới đầu tư dự đoán tình hình này có thể sẽ dẫn đến một đợt nới lỏng tiền tệ mới từ chính phủ mặc dù khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ tiếp tục bơm tiền cho nền kinh tế có vẻ đang bị thu hẹp sau khi BoJ triển khai chính sách lãi suất âm hồi tháng trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.