Trong hai ngày 19 và 20/3, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thi tuyển tập trung tại Nhật Bản. Qua đó thảo luận về đổi mới phương thức tuyển dụng công chức, viên chức ở Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và thực hiện triệt để nguyên tắc khách quan, công bằng trong tuyển dụng.
Bức tranh về thực tế công tác thi tuyển ở Việt Nam, những mặt được và những tồn tại, hạn chế cần khắc phục cũng như những kinh nghiệm hay trong việc tổ chức thi tuyển tập trung ở Nhật Bản đã được các đại biểu chia sẻ, thảo luận tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng những năm gần đây, Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi tuyển công chức, viên chức, qua đó góp phần thực hiện tốt nguyên tắc khách quan, công bằng, minh bạch trong thi tuyển. Giải pháp này được người dân và dư luận ủng hộ song vẫn gặp phải nhiều khó khăn và trở ngại.
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có quy định việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu phải gắn với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. Theo đó, người đứng đầu đơn vị có làm tốt công việc của mình hay không phụ thuộc rất nhiều vào chính những người mà họ tuyển dụng và sử dụng. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới phương thức tuyển dụng để gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng.
Thực hiện điều này, nếu người đứng đầu tuyển chọn được người xứng đáng, phù hợp vào cơ quan của mình mới hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngược lại sẽ không hoàn thành nhiệm vụ và hệ quả là sẽ không thể tiếp tục giữ cương vị lãnh đạo đó nữa.
Chia sẻ theo kinh nghiệm từ phía Nhật Bản, chuyên gia Mori Mutsuya, Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, để có được nguồn nhân lực ưu tú, việc thi tuyển tập trung là rất quan trọng và công tác đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng giữ một vai trò chủ chốt.
Chỉ có những người được tuyển dụng thông qua thi tuyển một cách công bằng, minh bạch mới có được dịch vụ công tốt.
Bà Kikuchi Atsuko, Chủ tịch Hiệp hội phát triển nguồn nhân lực khu vực công Nhật Bản cho hay nước này đã phải nhiều lần thay đổi chính sách thi tuyển của mình cho phù hợp với tình hình thực tế để có nguồn nhân lực cho lĩnh vực hành chính công tốt.
Luật công chức quốc gia của Nhật của quy định việc bổ nhiệm cán bộ phải được thực hiện dựa trên kết quả thi, đánh giá con người hoặc bằng chứng về năng lực khác của thí sinh đó để đảm bảo cán bộ không bị miễn nhiệm một cách tùy tiện. Tuyển dụng cán bộ bằng kỳ thi cạnh tranh.
Trường hợp tuyển dụng vào vị trí khác ngoài vị trí công chức quốc gia hoặc trường hợp đã xác định trong quy định của Viện tổ chức công chức nhà nước, có thể tuyển dụng bằng phương pháp lựa chọn. Bất kỳ ai cũng không được tham gia vào các hành vi như đòi hỏi, lạm dụng chức quyền, sử dụng các biện pháp cưỡng ép, đe dọa, yêu cầu cung cấp, nhận tiền bạc hay các hình thức tư lợi khác để đòi hỏi lợi ích cho riêng mình khi tăng lương, bổ nhiệm, dừng việc bổ nhiệm cạnh tranh hay rút lại nguyện vọng tổ chức kỳ thi tuyển.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất, thảo luận nhiều nội dung, nhiều vấn đề để đổi mới phương thức tuyển dụng hiện hành ở Việt Nam để tuyển dụng được những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực vào nền công vụ, phục vụ tốt các nhu cầu của người dân./.