Nhật Bản: Chính quyền cảnh báo nguy cơ tai nạn khi leo núi Phú Sĩ

Núi Phú Sĩ là một địa điểm đẹp, hấp dẫn để khám phá nhưng cũng có thể là một ngọn núi nguy hiểm nếu như người leo núi chưa có sự chuẩn bị và trang bị phù hợp.
Núi Phú Sĩ được coi là biểu tượng linh thiêng và là hình tượng văn hóa nghệ thuật đặc trưng của Xứ sở Hoa anh đào. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Ngày 10/8, Thống đốc tỉnh Yamanashi đã gửi thông cáo báo chí kêu gọi khách du lịch nâng cao nhận thức an toàn khi leo núi Phú Sĩ, một địa điểm du lịch nổi tiếng của Nhật Bản thu hút hàng trăm nghìn du khách vào mùa leo núi hàng năm.

Núi Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với độ cao 3.776m.

Chính quyền dự đoán trong mùa leo núi năm 2023, bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào ngày 10/9, núi Phú Sĩ sẽ đón một lượng lớn du khách nội địa và nước ngoài do Nhật Bản tiến hành lễ kỷ niệm 10 năm núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới và chính phủ đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại trong thời kỳ dịch COVID-19.

[Nhật Bản điều chỉnh phương án sơ tán nếu núi Phú Sĩ phun trào]

Dự kiến số người leo núi có thể lên đến khoảng 300.000 lượt người, tương đương mức của năm 2013, năm núi Phú Sĩ được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Các tổ chức liên quan cũng đang yêu cầu chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người leo núi.

Trong khi các công việc chuẩn bị đang được thực hiện để trì hoãn việc đóng cửa trung tâm sơ cứu Fujiyoshida ở trạm thứ 8 của núi Phú Sĩ, các tổ chức liên quan tin rằng biện pháp hiện tại không đủ để xử lý số lượng lớn người leo núi.

Thống đốc tỉnh Yamanashi, Nagasaki Kotaro, nhấn mạnh núi Phú Sĩ là một địa điểm đẹp, hấp dẫn để khám phá nhưng cũng có thể là một ngọn núi nguy hiểm nếu như người leo núi chưa có sự chuẩn bị và trang bị phù hợp.

Thống đốc Kotara cho biết hàng năm có rất nhiều người leo núi cần được cấp cứu do say độ cao hoặc bị thương.

Từ những kinh nghiệm thực tế và dự đoán về số người leo núi Phú Sĩ tăng mạnh trong năm 2023, chính quyền cảnh báo các hình thức leo núi có thể gây nguy hiểm trong đó đáng chú ý là “bullet climbing” và việc leo núi không trang bị đầy đủ các vật dụng cần thiết.

“Bullet climbing” là hình thức leo lên núi trong đêm để đón bình minh trên đỉnh núi sau đó trở về ngay mà không nghỉ qua đêm.

Theo nhà chức trách, “bullet climbing” là một hoạt động rất nguy hiểm, vì nó có thể dẫn đến mệt mỏi và say độ cao.

Trong khi đó, leo núi với trang bị gọn nhẹ, thiếu có thiết bị cần thiết (ví dụ: quần áo nhẹ, giày dép không phù hợp...) có thể dẫn đến ngã, chấn thương và hạ thân nhiệt.

Trước đó, thị trưởng của 6 địa phương ở phía tỉnh Yamanashi nơi có núi Phú Sĩ, cùng với người đứng đầu “Mount Fuji Yoshidaguchi Ryokan Kumiai,” một hiệp hội các cơ sở lưu trú dọc theo đường mòn Yoshida trên phía Bắc của ngọn núi Phú Sĩ, đã ký tên vào một thư kiến nghị trong đó bày tỏ lo ngại về các vấn đề như gia tăng tai nạn do những du khách không đặt được chỗ tại các cơ sở lưu trú cố gắng leo núi theo kiểu “bullet climbings.”

Trong khi chào đón du khách trong và ngoài nước đến núi Phú Sĩ, chính quyền địa phương đồng thời tổ chức một chiến dịch nhằm truyền bá nhận thức về sự nguy hiểm của việc leo núi Phú Sĩ mà không có sự chuẩn bị cần thiết nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra tai nạn đối với người leo núi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục