Nhật Bản công bố danh sách các công ty vi phạm luật lao động

Nhật Bản đã công bố danh sách hơn 300 công ty vi phạm luật lao động trên cả nước, với hy vọng sẽ giúp loại bỏ các hành vi lạm dụng người lao động và ngăn ngừa hiện tượng "karoshi."
Nhật Bản công bố danh sách các công ty vi phạm luật lao động ảnh 1Người lao động Nhật Bản tại một hội chợ việc làm. (Nguồn: Bloomberg)

Chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên đã công bố danh sách hơn 300 công ty vi phạm luật lao động trên cả nước, với hy vọng sẽ giúp loại bỏ các hành vi lạm dụng người lao động và ngăn ngừa hiện tượng "karoshi" (những cái chết vì bệnh tim mạch hay tự sát do áp lực công việc, hoặc chết vì làm việc quá sức).

[Nhân viên Dentsu tự tử vì phải làm thêm giờ làm rúng động nước Nhật]  

Trong danh sách vừa được công bố trên trang web của Bộ Lao động có tên các công ty lớn như Công ty quảng cáo Dentsu và Tập đoàn điện tử Panasonic, do vi phạm liên quan đến làm việc quá thời gian quy định, hoặc một cơ sở địa phương của Bưu điện Nhật Bản, chi nhánh của Japan Post Holdings Co, được nhắc đến trong vụ không báo cáo về trường hợp người lao động bị thương khi làm việc.

Danh sách trên gồm 334 công ty đã nhận được các cảnh báo về vi phạm thời gian làm việc và các vi phạm lao động khác trong thời gian từ trung tuần tháng 10 năm ngoái tới tháng Ba năm nay. Danh sách này sẽ được cập nhật hàng tháng.

Vấn đề lạm dụng người lao động hay nhân viên phải làm việc quá tải ngày càng trở nên phổ biến tại Nhật Bản trong thập niên vừa qua, và những công ty vi phạm như vậy được liệt vào danh sách "công ty đen" trên các phương tiện truyền thông.

Vụ một công nhân trẻ tuổi tự tử do làm việc quá tải liên tục tại Dentsu năm 2015 đã thúc đẩy Thủ tướng Shizo Abe coi việc cải cách chính sách lao động là một trong những chính sách quan trọng.

[Lo ngại tình trạng tự tử, Nhật Bản giới hạn số giờ làm thêm]

Tháng Ba vừa qua, chính phủ của Thủ tướng Abe đã thông qua một kế hoạch hành động theo hướng cải cách toàn diện chính sách đối với người lao động, bao gồm cả việc làm thêm giờ và trả lương cho nhân viên bán thời gian và hợp đồng. Tuy nhiên, giới luật sư và các nhà hoạt động xã hội đánh giá những nỗ lực của chính phủ vẫn chưa đạt được kết quả.

Người phát ngôn của Dentsu và Japan Post từ chối bình luận về danh sách trên, còn Panasonic cho biết công ty đã nghiêm túc xem xét vụ vi phạm luật lao động và sẽ ngăn chặn các trường hợp khác trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.