Trong bối cảnh Trung Quốc không có dấu hiệu sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm hải sản của Nhật Bản, nước này phải đa dạng hóa các kênh xuất khẩu sang các thị trường khác, đáng chú ý nhất là Đông Nam Á và Mỹ.
Nằm trong các nỗ lực đa dạng hóa, Nhật Bản gần đây đã công bố mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch xuất khẩu sò điệp, một mặt hàng hàng đầu trong ngành xuất khẩu hải sản của nước này, sang Thái Lan lên 2,4 tỷ yen (15 triệu USD) trong năm 2024 so với năm trước đó.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh xuất khẩu sò điệp của Nhật Bản sang Việt Nam đã tăng gấp ba lần, sang Thái Lan tăng 2,3 lần và sang Mỹ tăng 1,7 lần trong 5 tháng tính đến tháng Ba so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của chính phủ.
Indonesia, Malaysia và Canada cũng đã tăng nhập khẩu sò điệp từ Nhật Bản kể từ khi Trung Quốc áp dụng lệnh cấm.
Tuy nhiên, việc tăng cường xuất khẩu sò điệp tăng sang các thị trường ngoài Trung Quốc vẫn chưa đủ để bù đắp chỗ trống mà thị trường mua hàng lớn nhất này để lại.
Các chuyên gia thương mại cho rằng Nhật Bản nên tiếp tục chuyển hướng chuỗi cung ứng và đẩy mạnh các chiến dịch xúc tiến thương mại với mục tiêu xuất khẩu cao hơn.
Số liệu của chính phủ cho thấy vào năm 2022, Trung Quốc chiếm 51,3% lượng xuất khẩu sò điệp của Nhật Bản. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ hai với 12,3%, Mỹ đứng thứ ba với 8,6% và Hàn Quốc đứng thứ tư với 8,3%.
Trong cuộc gặp mới đây với người đồng cấp Thái Lan, ông Thamanat Prompow, Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Tetsushi Sakamoto đã nhấn mạnh sự an toàn của hải sản Nhật Bản và tìm kiếm sự hợp tác để mở rộng thị trường tại Thái Lan.
Nhờ sự bùng nổ của ẩm thực Nhật Bản tại Thái Lan, các nhà phân tích tin rằng Nhật Bản sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu sò điệp năm 2024 sang quốc gia Đông Nam Á này. Một số người còn kêu gọi Nhật Bản cần có mục tiêu "tham vọng hơn" trong những năm tới.
Một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy số nhà hàng Nhật Bản tại Thái Lan đã tăng 1,9 lần trong năm 2023 so với năm 2018 lên 5.751 nhà hàng.
Để duy trì sự bùng nổ này, Giáo sư Seiya Sukegawa của đại học Kokushikan University ở Tokyo, đề nghị các doanh nghiệp Nhật Bản nghiên cứu kỹ lưỡng thói quen ăn uống của người Thái để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường nước này.
Còn tại Mỹ, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, JETRO và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Houston đã phối hợp thành lập một "nền tảng hỗ trợ xuất khẩu" tại thành phố này vào tháng 12 năm ngoái, nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản và hải sản Nhật Bản, đồng thời quảng bá ẩm thực Nhật Bản ở Texas, thị trường lớn thứ hai tại Mỹ.
Theo các quan chức Bộ Nông nghiệp Nhật Bản, các công ty nước này cũng đã bắt đầu vận chuyển các sản phẩm thủy sản tươi sống đến Colorado, một thị trường còn mới mẻ đối với hải sản Nhật Bản ở Mỹ, bằng cách sử dụng các chuyến bay thẳng của hãng hàng không United Airlines giữa sân bay Narita và Denver./.
Hàn Quốc: Lượng hải sản nhập khẩu từ Nhật Bản giảm thấp nhất trong hơn 10 năm
Trong năm 2023, Hàn Quốc chỉ nhập khẩu số lượng hải sản, bao gồm cá và động vật có vỏ, từ Nhật Bản với tổng giá trị đạt 151,9 triệu USD, mức thấp nhất kể từ năm 2012.