Nhật Bản: Giới doanh nghiệp chưa tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế

Theo báo cáo điều tra dư luận của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) , chỉ số đánh giá lòng tin kinh doanh của các công ty chế tạo lớn của Nhật Bản không thay đổi so với kết quả thăm dò hồi tháng 12/2014.
Nhật Bản: Giới doanh nghiệp chưa tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế ảnh 1Ảnh: channelnewsasia.com)

Theo báo cáo điều tra dư luận Tankan của Ngân hàng Nhật Bản (BoJ) công bố ngày 1/4, chỉ số đánh giá lòng tin kinh doanh của các công ty chế tạo lớn của Nhật Bản giữ ở mức +12 trong tháng Ba, không thay đổi so với kết quả thăm dò hồi tháng 12/2014.

Điều này cho thấy giới doanh nghiệp vẫn nghi ngại về sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Trong khi đó, chỉ số lòng tin của các doanh nghiệp không thuộc lĩnh vực chế tạo dù có phần tích cực hơn, song nhiều công ty vẫn hạ dự báo lợi nhuận.

Ngay sau khi báo cáo trên được công bố, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường chứng khoán Tokyo giảm 0,89% trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 1/4, cho thấy phản ứng của nhà đầu tư với kết quả u ám này.

Số liệu công bố mới đây cho thấy sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng Hai giảm 3,4% so với tháng trước đó, mạnh hơn nhiều so với mức dự báo giảm 1,8%, trong khi lạm phát giữ nguyên lần đầu tiên trong gần hai năm.

Các dữ liệu ảm đạm trên một lần nữa cho thấy những thách thức mà Thủ tướng Shinzo Abe phải đối mặt để đối phó với tình trạng giảm phát và hồi sinh nền kinh tế đang tăng trưởng chậm chạp.

Trong một thông tin có liên quan, Thượng viện Nhật Bản ngày 31/3 bỏ phiếu thông qua luật thuế sửa đổi năm 2015, quyết định lùi thời hạn tăng thuế tiêu dùng lên 10% vào tháng 4/2017, tức là chậm hơn một năm rưỡi so với thời điểm dự kiến áp dụng tháng 10/2015.

Luật sửa đổi nói trên thể hiện nỗ lực cải thiện tình hình kinh tế sau khi chi tiêu tiêu dùng cá nhân ở nước này chững lại do thuế tiêu dùng tăng từ 5% lên 8% hồi đầu tháng 4/2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.