Chính phủ Nhật Bản ngày 20/6 giữ nguyên đánh giá rằng nền kinh tế nước này đang tiếp tục phục hồi từ đại dịch COVID-19, song vẫn cảnh báo tác động của tình hình xung đột kéo dài tại Ukraine và hoạt động kinh tế giảm tốc tại Trung Quốc.
Báo cáo hàng tháng của Chính phủ Nhật Bản cho rằng tình hình hiện tại của nền kinh tế nước này đang cho thấy sự phục hồi.
Đây là tháng thứ ba Nhật Bản giữ nguyên đánh giá này, trước sự cải thiện trong hoạt động tiêu dùng tư nhân và đầu tư doanh nghiệp.
[Nhật Bản mở cửa du lịch lần đầu tiên sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19]
Về triển vọng của nền kinh tế, báo cáo cho biết đà phục hồi này được dự đoán sẽ được hỗ trợ bởi các biện pháp phòng chống các bệnh lây nhiễm (mà không nhắc cụ thể đến dịch COVID-19 sau khi đã bỏ cụm từ này từ báo cáo đánh giá kinh tế tháng trước) và bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội.
Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp báo cáo giữ nguyên cụm từ “phục hồi” khi nói về hoạt động tiêu dùng tư nhân, trong bối cảnh hoạt động chi tiêu tiếp tục phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ, trong đó có hoạt động ăn uống và đi lại.
Nhưng báo cáo lần này lại là lần đầu tiên trong bảy tháng qua Chính phủ Nhật Bản hạ đánh giá về sản lượng công nghiệp, khi cho rằng đà phục hồi đang chững lại do hoạt động sản xuất các mặt hàng linh kiện điện tử và máy xây dựng suy yếu trước tình hình thiếu hụt bán dẫn.
Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản đã nâng đánh giá về hoạt động xây dựng nhà ở, cho rằng lĩnh vực này đang ngày càng “vững chắc” nhờ nhu cầu gia tăng.
Báo cáo còn đánh giá đà suy giảm trong hoạt động nhập khẩu đã dừng lại, phản ánh nhu cầu trong nước gia tăng đối với các mặt hàng năng lượng như dầu thô, than đá và khí tự nhiên hóa lỏng.
Chính phủ Nhật Bản cho biết giá tiêu dùng đang tăng tháng thứ hai liên tiếp sau khi số liệu cho thấy lạm phát tháng Tư đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất trong bảy năm qua, do giá hàng hóa cao và đồng yên yếu.
Trong thời gian tới, Chính phủ Nhật Bản lưu ý cần chú ý đến các nguy cơ kìm hãm nền kinh tế do giá nguyên vật liệu thô gia tăng, tình trạng căng thẳng nguồn cung và những biến động trên thị trường tài chính, xuất phát từ xung đột Nga-Ukraine và sự giảm tốc của các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc do các biện pháp phòng dịch COVID-19.
Chính phủ Nhật Bản cũng giữ nguyên đánh giá đối với nền kinh tế thế giới, cho rằng kinh tế toàn cầu đang "chững lại” ở một số lĩnh vực nhưng lại phục hồi về mặt tổng thể./.