Trong báo cáo kinh tế hàng tháng công bố ngày 28/8, Nhật Bản vẫn giữ quan điểm rằng nền kinh tế nước này đang phục hồi vừa phải trong tháng 8/2023 và có vẻ lạc quan hơn về xuất khẩu.
Tuy vậy, Nhật Bản cũng lên tiếng cảnh báo về những rủi ro sụt giảm do tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng bất động sản.
Cũng trong báo cáo trên, Chính phủ Nhật Bản đã nâng cấp quan điểm về xuất khẩu lần đầu tiên sau ba tháng, với lưu ý rằng có “dấu hiệu tăng trưởng” trong lĩnh vực này.
Bản báo cáo sửa đổi cho thấy xuất khẩu ôtô tăng mạnh sau khi tình trạng thiếu chip giảm bớt và du lịch trong nước hồi sinh. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng nhà ở đã bị hạ đánh giá lần đầu tiên sau 18 tháng từ mức "ổn định" một tháng trước đó xuống "gần như đi ngang."
[Lạm phát dai dẳng tiếp tục gây sức ép cho nền kinh tế Nhật Bản]
Báo cáo tháng Tám được đưa ra sau khi nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng với tốc độ thực tế hàng năm là 6,0% trong khoảng thời gian từ tháng 4-6/2023, đánh dấu tốc độ tăng nhanh nhất kể từ năm 2020.
Các nhà kinh tế cho biết xuất khẩu mạnh là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế quý trước, nhưng nhu cầu trong nước bất ngờ suy yếu, đặt ra câu hỏi về triển vọng tăng trưởng trong tương lai của đất nước.
Văn phòng Nội các Nhật Bản cho hay nền kinh tế nước này đang phục hồi với tốc độ vừa phải.
Về những rủi ro tiềm ẩn đối với Nhật Bản, báo cáo này đã đề cập đến những lo ngại kéo dài về nền kinh tế Trung Quốc, điều này có thể làm tăng thêm hiệu ứng tiêu cực của chính sách thắt chặt tiền tệ đối với tăng trưởng toàn cầu.
Một số đại gia bất động sản Trung Quốc đang nợ nần chồng chất và đầu tư vào phát triển bất động sản đã giảm.
Báo cáo cho biết cần chú ý đầy đủ đến việc giá tăng và những biến động trên thị trường tài chính và vốn. Đánh giá của chính phủ về các thành phần khác của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này không ghi nhận sự thay đổi nào.
Báo cáo lưu ý rằng cả tiêu dùng cá nhân và đầu tư vốn đều đang "tăng lên" và sản xuất công nghiệp đang có "dấu hiệu tăng lên."
Đánh giá tổng thể về nền kinh tế toàn cầu vẫn được giữ nguyên, trong đó báo cáo mô tả kinh tế toàn cầu “đang phục hồi mặc dù có sự yếu kém ở một số khu vực.”
Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng đã hạ đánh giá về Trung Quốc lần đầu tiên sau bảy tháng do lo ngại về lĩnh vực bất động sản./.